Trong tháng 9, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng; số vốn đầu tư công giải ngân trung bình một tháng trong 9 tháng đầu năm đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/tháng. Để so sánh, trung bình mỗi tháng trong 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 29.000 tỷ đồng/tháng.
Trong lúc khó khăn hiện nay, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách rất quan trọng.
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Người đứng đầu từng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới. Kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.
Đổi mới tư duy, cách tiếp cận lẫn cách làm để nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả và thiết thực. Xử lý nhanh những vướng mắc thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý, không chờ đợi, nêu rõ vướng mắc ở đâu, thuộc trách nhiệm của ai thay vì nói chung chung.
Kiểm toán, giám sát giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các cơ quan chuyên môn về thanh tra cần vào cuộc để góp phần xử lý và tháo gỡ những khó khăn đối với công tác giải ngân.
Đặc biệt, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.
Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu quốc hội tại địa phương có trách nhiệm tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình. Từ đó, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác giám sát giải ngân vốn đầu tư công.
Cuối cùng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân của đơn vị. Kết quả giải ngân vốn là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công.
Các bộ quản lý ngành như Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cần rà soát, sửa đổi quy định pháp luật, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công. Quy trình thủ tục rút vốn nước ngoài bảo đảm công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau. Do đó, để Luật đi vào cuộc sống, giải quyết ngay những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu của các dự án đầu tư công. Các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) ban hành kịp thời và chất lượng.
Cần rà soát, xác định các nhiệm vụ cụ thể từng bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan thẩm định dự án, thanh toán vốn...