
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Địa đạo rồi cũng được công chiếu tại các rạp phim với sự đầu tư kỹ càng cùng sự đón nhận nồng nhiệt của bao khán giả. Những giây phút đầu tiên phim đã tạo ra một bầu không khí chiến tranh trong căn hầm u tối, ngột ngạt tại Củ Chi là nơi các chiến sĩ du kích Việt Nam đã sống và chiến đấu trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, đầy chật vật hiểm nguy vây quanh.
Tôi đã từng đến đây trong chuyến thực tập những năm học đại học, trực tiếp xuống khu căn cứ nơi địa đạo Củ Chi nằm sâu dưới lòng đất nhỏ hẹp, ngột ngạt và u tối mới thấy được sự kiên cường, tinh thần thép của ông cha ta thời chiến tranh đã sống và chiến đấu thật oanh liệt như thế nào. Vì thế dõi mắt theo từng thước phim giữa bối cảnh và không gian ấy, trái tim tôi tựa như bị bóp nghẹt với vô vàn xúc cảm.
Từng thước phim là từng tính cách, số phận của những chiến sĩ đang mang trong mình nhiệm vụ chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh khi họ phải bám trụ và sinh tồn để giữ mạch máu giao liên tình báo cho những cán bộ chiến lược. Và khán giả sẽ đi từ xúc cảm này đến xúc cảm khác khi từng thước phim cứ trôi qua từng phân đoạn.
Có lúc phim đẩy người xem dâng lên xúc cảm như muốn vỡ tan lồng ngực, một sự ức chế đến tột cùng khi thấy các chiến sĩ lần lượt hy sinh với hình ảnh đau xót khôn nguôi. Họ sống và chiến đấu với số phận bị bao vây không đường lui, không có sự lựa chọn nào khác ngoài sự hy sinh.
Bởi sự chênh lệch giữa số lượng quân ta với quân số hùng hậu kèm vũ khí tân tiến của quân địch khiến người xem cảm nhận rõ sự áp lực bao quanh đến kịch liệt. Và chính sự thành công trong xây dựng kịch tính phim đã giúp người xem thấm thía sự hy sinh trong thời chiến khắc nghiệt mà ông cha ta đã trải qua.
Từ những thước phim với không gian, bối cảnh, trang phục, được cho là bám sát tư liệu lịch sử cho đến sự nhập tâm diễn xuất của dàn diễn viên đã lột tả bao phân cảnh khiến khán giả dâng trào bao xúc cảm từ những đau thương với hình ảnh người bị thiêu sống, bị đạn trúng vào đầu… để rồi những ai dõi xem con tim cứ nhói khôn nguôi.
Nhưng Địa đạo đâu chỉ lột tả những mất mát, đau thương mà còn khơi gợi một tia sáng trong cuộc sống tăm tối. Ta còn thấy được sự kiên cường, lạc quan của những người chiến sĩ đứng trước lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết khiến người xem phải bồi hồi, thổn thức. Họ vẫn giữ niềm tin vào ánh sáng tươi đẹp của hoà bình trong tương lai, vẫn cười, vẫn hát và vẫn thả những ước mơ giản dị đẹp đẽ nhất của mình…

Đôi lúc nhìn sang thấy nước mắt bao bạn trẻ tuôn rơi và mẹ tôi một người từng tham gia trong kháng chiến giữa thời chiến tranh oanh liệt của đất nước lại phải đặt bàn tay run run già nua của mình lên trái tim để nén lại cơn xúc động lẫn bồi hồi tưởng nhớ về thời quá khứ.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thành công trong cách kể chuyện không khô khan mà đầy sống động bằng hình ảnh, âm thanh với không gian phim chân thực, giàu tính hình ảnh lẫn tính cách nhân vật để từ đó, đặc biệt là bao thế hệ trẻ được may mắn sống trong thời hoà bình hiện tại cảm nhận rõ bao đau thương, mất mát mà thế hệ ông cha đã trải qua.
Giờ đây, chúng ta đứng trên mảnh đất một thời phủ lấy máu xương của ông cha đã hy sinh để đổi lấy tự do mà thấm cái giá của hoà bình để trân quý và giữ gìn.
Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với bài báo đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!



'Địa đạo' của Bùi Thạc Chuyên cán mốc 81 tỷ, vượt mặt cả bom tấn Hollywood
