Sau sự kiện ra mắt iPhone chính thức, người tiêu dùng đã nhanh chóng chia sẻ những suy nghĩ của mình về mức giá cắt cổ mà Apple đưa ra đối với những sản phẩm của mình. Thú vị thay, một kỹ sư phần mềm Anh là Felipe Schmitt đã tận dụng cơ hội này để phát triển một website về chi phí thực sự cho một chiếc iPhone.
Đây là trang web cung cấp cho người tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau một cách trực quan nhất giúp hiểu họ cần làm việc bao nhiêu giờ để đủ khả năng cho những chiếc iPhone X này, bao gồm cả các dòng iPhone đã ra mắt trước đó.
Theo chia sẻ của Felipe Schmitt, việc tạo ra website này có nhiều mục đích khác nhau. Không đơn giản chỉ liên quan đến giá trị của những chiếc iPhone, ông còn mong muốn mọi người sẽ nhận thức được sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới.
Theo một báo cáo của BBC từ năm 2011, tại Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp một cậu bé 17 tuổi bán một quả thận của mình để có tiền mua iPhone và iPad mới. Nhìn vào sự tăng giá ổn định của iPhone trong 6 năm qua, mọi người giờ đây có thể sẽ phải bán một hoặc hai cánh tay để có thể sở hữu chiếc iPhone mới nhất.
Trang web của Felipe giúp bạn dễ dàng so sánh nơi bạn đang sống cùng với các quốc gia khác - ví dụ như ở Mexico và Hà Lan. Trong khi ở Hà Lan với mỗi ngày 8 tiếng làm việc, bạn sẽ mất khoảng 12 ngày để đủ mua một chiếc iPhone X mới. Ngược lại ở Mexico, bạn sẽ mất đến ⅔ năm mới đủ mua được chiếc iPhone đắt nhất của Apple.
Nếu bạn thấy ví dụ bên trên chưa đủ cho thấy sự bất bình đẳng về kinh tế trong việc mua iPhone thì hãy xem so sánh ngay dưới đây. Ở Uganda, mỗi ngày người dân ở đây là 8 tiếng và có mức lương tối thiểu là 1,70 USD/ tháng.
Như vậy để có đủ tiền cho một chiếc iPhone X 64 GB họ sẽ phải làm việc liên tục trong 34.2 năm, tức là gần 1/3 đời người. Trong khi đó tại Úc, bạn sẽ chỉ phải làm việc trong gần 2 tuần là đã đủ để mua nó rồi.
Để sử dụng trang web của Felipe, bạn có thể bấm vào ĐÂY và viết tên quốc gia mà bạn muốn kiểm tra. Mặc dù trang web không hoàn toàn chính xác vì nó chỉ sử dụng giá iPhone của Mỹ và dữ liệu "lương tối thiểu" chỉ ở mức tương đối. Tuy nhiên đây vẫn là một lời nhắc nhở gây sốc về sự khác biệt rất lớn về nền kinh tế giữa các quốc gia.
Theo GenK