Phản hồi của Bộ Giáo dục Trung Quốc đối với đề xuất của một đại biểu Quốc hội nước này đang thu hút sự chú ý rộng rãi.
Vị này đề xuất các trường học có thể sử dụng thời gian học ngoại ngữ để tăng cường giảng dạy văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhằm "cho trẻ em tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc nhiều hơn vào thời điểm quan trọng trong việc hình thành thế giới quan của chúng, đồng thời nâng cao lòng tự hào và tự tin về văn hóa ngay từ khi còn nhỏ".
Trước đề xuất này, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng: "Ngoại ngữ là một phần quan trọng trong sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ của học sinh, đồng thời giúp trau dồi và phát triển các yếu tố cốt lõi của học sinh như kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức văn hóa, chất lượng tư duy và khả năng học tập, cũng như bản sắc Trung Quốc, góc nhìn quốc tế và kỹ năng giao tiếp đa văn hóa”.
Theo Bộ này, chương trình giảng dạy ngoại ngữ được thiết kế phù hợp với kỳ thi Cao khảo (Kỳ thi tuyển sinh Đại học). Theo quy định hiện hành, cùng với Toán và Ngữ Văn, Tiếng Anh là một phần bắt buộc trong tổng điểm của kỳ thi Cao khảo.
Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ ra rằng tỷ lệ số giờ học ngoại ngữ trong tổng số giờ học ở giáo dục cơ bản (gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) là 6-8%, thấp hơn 20-22% đối với tiếng Trung Quốc, 13-15% đối với môn Toán hoặc 10-11% đối với Giáo dục thể chất.
Việc giảng dạy văn hóa truyền thống Trung Quốc không mâu thuẫn với thời gian biểu giảng dạy ngoại ngữ hiện tại. Giáo dục về văn hóa truyền thống luôn là ưu tiên hàng đầu của Bộ này.
Theo chương trình giảng dạy hiện hành, việc giảng dạy Tiếng Trung Quốc, chính trị, lịch sử và các môn học khác đã được tích hợp một cách hữu cơ vào giáo dục về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Hơn nữa, nội dung của văn hóa truyền thống cũng được đưa vào kỳ thi Cao khảo.
Các cuộc thảo luận về việc giảm tỷ trọng Tiếng Anh trong giáo dục cơ bản và trong kỳ thi Cao khảo đã diễn ra thường xuyên tại quốc gia này trong thập kỷ qua, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi tăng cường chú ý đến việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Tuy vậy, so với thiết kế chương trình giảng dạy được thực hiện vào năm 2001, tỷ lệ các tiết học ngoại ngữ ở nước này luôn ở mức 6-8%.
Trong chương trình mới, mục tiêu của học sinh học Tiếng Anh ở cấp giáo dục cơ bản bao gồm "so sánh sự giống và khác nhau giữa nền văn hóa Trung Quốc và nước ngoài, hiểu biết sâu sắc hơn và củng cố sự nhận biết với văn hóa Trung Quốc".
"Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chung của thế giới. Người Trung Quốc cần thông thạo tiếng Anh hơn để tiếp xúc với tri thức nhân loại" - nhà nghiên cứu Trữ Triều Huy tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia nói.
Ông Trữ cho rằng: “Nếu tuyên bố “Tiếng Anh là vô dụng” được truyền bá rộng rãi trong xã hội, thì người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả sẽ là trẻ em ở các vùng nông thôn. Có thể dự đoán, nếu tầm quan trọng của Tiếng Anh không còn được chú trọng, phụ huynh ở các thành phố lớn vẫn sẽ không từ bỏ việc cho con mình học Tiếng Anh, còn trẻ em ở nông thôn thì lại càng thụt lùi".
"Điều quan trọng hơn là Trung Quốc cần làm thế nào để cải thiện phương thức giảng dạy Tiếng Anh cho hiệu quả và xóa bỏ tâm lý “học để thi” của học sinh nước này" - ông Trữ lưu ý.
Bảo Huy (Theo Global Times)