Lensa xuất hiện lần đầu vào năm 2018 với vai trò như một công cụ chỉnh sửa hình ảnh. Tuy vậy, vào tháng trước, công ty sở hữu ứng dụng này đã phát hành một tính năng mới có tên "Magic Avatars".
Tính năng này sẽ biến những bức ảnh chân dung của người dùng thành các tác phẩm nghệ thuật với nhiều phong cách và chủ đề khác nhau, từ cổ điển, cổ tích cho tới hoạt hình hay anime.
Không lâu sau khi ra mắt, tính năng này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dùng Internet trên toàn cầu. Đồng thời, nó cũng tạo nên cơn sốt về những bức ảnh chân dung nghệ thuật được vẽ bằng AI.
Tuy vậy, ứng dụng này đã vấp phải không ít sự chỉ trích liên quan đến quyền riêng tư và các cáo buộc về bản quyền. Trao đổi với NBC News, Jon Lam - một họa sĩ tại Riot Games, giải thích rằng các mô hình AI được đào tạo bằng cách sử dụng các tác phẩm nghệ thuật của người khác. Tồi tệ hơn, Lauryn Ipsum - một nhà thiết kế đồ họa, còn cho biết chữ ký của các nghệ sĩ thậm chí vẫn hiển thị trong một số hình ảnh.
Trên thực tế, sáng tạo nghệ thuật vốn luôn được xem là một không gian nhạy cảm, có nhiều đặc thù. Khi những công nghệ mới như AI xuất hiện, các vấn đề gây tranh cãi về bản quyền, đạo đức nghề nghiệp cũng phát sinh ngày càng nhiều.
"Trong khi người dùng khắp thế giới và Việt Nam hào hứng với Lensa, nhiều nghệ sĩ lại ra sức phản đối, nói không với AI. Tuy nhiên, AI sẽ là bước tiến tiếp theo không thể chối bỏ của công nghệ. Trí tuệ thông minh đang giúp các nghệ sĩ sáng tạo nhanh hơn, giúp họ phát triển nguồn cảm hứng và thay thế những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày", ông Leo Đinh - CEO Sun Wolf cho biết tại sự kiện Digital Creators Meet Up.
Chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Tiến Huy - CEO Pencil nhận định rằng AI chỉ có thể thay thế một phần công việc của nghệ sĩ nhưng không thể làm công việc sáng tạo vì nó chỉ là máy móc.
Các họa sĩ cũng đồng tình rằng những trào lưu vẽ tranh bằng AI sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vì người dùng sẽ rất nhanh cảm thấy nhàm chán. Tuy vậy, nếu nhìn ở góc độ tích cực, AI đang trở thành động lực khiến các nghệ sĩ phải sáng tạo nhiều hơn mỗi ngày.
Liên quan đến vấn đề bản quyền trong sáng tạo nghệ thuật, bà Lynn Hoàng - Giám đốc quốc gia Binance, cho rằng các công nghệ như NFT đang trở thành công cụ tốt để nghệ sĩ chứng minh được nguồn gốc của tác phẩm, tránh bị đạo nhái. Tuy nhiên, mặt trái là NFT đang bị lạm dụng quá nhiều để phục vụ cho các mục đích tài chính.
"NFT nên được xem là một công cụ để chứng thực bản quyền, tính độc bản của tác giả chứ không nên là một điều kiện khiến một tác phẩm bị thổi phồng giá quá cao. Giá trị cốt lõi của tác phẩm phải nằm ở tính nghệ thuật. Có chăng công nghệ chỉ nên là giá trị mở rộng giúp nghệ thuật có tính xác nhận, thanh khoản tốt hơn", bà Lynn nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng những công nghệ mới như AI, NFT sẽ sớm trở thành một phần không thể chối bỏ trong không gian sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, các nghệ sĩ nên xác định giá trị của tác phẩm phải nằm ở nội tại giá trị nghệ thuật chứ không phải công nghệ mang tính xu hướng.
(Theo Dân Trí, cnbc.com)