Sau khi bài viết Phụ huynh choáng váng khi ước tính đóng thêm gần 10 triệu đồng mỗi năm được đăng tải, VietNamNet nhận được hàng trăm bình luận với nhiều đồng cảm với phụ huynh, nhưng cũng không ít ý kiến phản bác.
Bất bình và và trăn trở
Độc giả Nguyễn Sỹ bày tỏ cảm thấy choáng ngợp trước các khoản thu đầu năm của nhiều trường... "Nhiều khoản thu rất vô lý khó hiểu, khi ý kiến thường là ghi nhận chứ không thay đổi".
"Con mình còn đóng 2,6 triệu/tháng chưa tính các khoản phụ thu đầu năm, dồn vào cũng giống như con anh Huy. Cũng hệ dân lập mà sao Hà Nội thu ít hơn Hải Phòng vậy nhỉ? Mình đi làm lo cho con không nổi luôn..." - Độc giả ở Hải Phòng chia sẻ.
Một độc giả khác cho hay năm nay con vào lớp 10, đầu năm đóng 5 triệu đồng trong đó bảo hiểm hơn 500 nghìn, quỹ lớp 200 nghìn, quỹ phụ huynh 500 nghìn..., còn học thêm chưa tính. "Có phụ huynh trong lớp con tôi còn đưa ra ý kiến đóng quỹ 1 triệu nhưng không được tán đồng...".
Ở góc nhìn khác, độc giả Minh Lê cho rằng là trường dân lập tự túc 100%, lại ở nội thành mức thu như vậy là thấp. "Có trường quốc tế còn vài trăm triệu lận. Học công lập xong đi học thêm cũng quá vậy".
Độc giả Bách Hà phân tích: "Trường dân lập (với học phí cao) cũng là cơ sở giáo dục chịu sự điều chỉnh của các quy định của Bộ GD-ĐT. Trong các khoản được thu Bộ quy định không có khoản bắt buộc cho cơ sở vật chất (chi cho vệ sinh lớp, trường...). Nhưng tình trạng thu tăng các khoản trong đó có khoản cơ sở vật chất trung bình từ 2-5 triệu đồng/năm đang nở rộ. Kiến nghị Sở GD-ĐT Hà Nội vào cuộc, rà soát các quy định, tránh Hà Nội thành một điển hình cho sự bất bình đẳng trong giáo dục".
Độc giả Ngọc Dung thì nên quan điểm khi họp phụ huynh, mọi người nên cùng nhau thỏa thuận. Nếu thấy bất hợp lý không chấp nhận đóng các khoản nhà trường đưa ra thì cho con em mình đi vào trường khác học hoặc báo với ngành chức năng xử lý...
Còn bạn Cao Hùng nêu thực trạng: "Trường THPT (cấp 3) thì không xây thêm, đất nội đô cứ xây chung cư, biệt thự liền kề, trung tâm thương mại, dịch vụ, ăn chơi... thì mọc lên nhanh như nấm. Vào khu Tây Hồ Tây, ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, sát Cầu Giấy, Tây Hồ) mênh mang đất, đang thành một thành phố mới nhưng không có 1 cái trường cấp 3 nào mới. Bên Hà Đông rồi Long Biên, Thanh Trì... cũng vậy".
"Tự chủ giáo dục là thế đấy! Chỉ thương các cháu gia đình lao động khó khăn, con đi học mà cha mẹ lấn bấn chuyện tiền nong" - độc giả Tự Minh chia sẻ.
"Sau khi học sinh "ván đã đóng thuyền" thì các phí sẽ tung ra với nhiều cấp độ theo quốc tế, dân lập... Nếu không có ai quản lý các khoản thu này thì chỉ có học sinh và giáo viên là người chịu ảnh hưởng, mà ảnh hưởng lâu dài là người dân..." - là quan điểm của độc giả Nguyễn Khánh Toàn.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc thu học phí đối với trường nằm trung tâm Hà Nội như vậy là điều hết sức bình thường. Độc giả Lê Minh Sơn bình luận: “Mức phí trung bình 2 triệu/tháng là thấp so với mặt bằng các trường trung tâm TP Hà Nội rồi. Đi học mầm non giờ tháng còn 3-4 triệu, chưa kể trường đã thông báo cụ thể từng mục vậy để phụ huynh nắm được con mình được hưởng những dịch vụ gì”.
Hay độc giả Mỹ Hạnh bày tỏ quan điểm chỉ cần thu đúng, công khai là chấp nhận được: “Thu đúng và công khai minh bạch là được. Hệ thống trường tư, dân lập họ phải tự chi trả và cạnh tranh nên chỉ tính đủ chứ không thể lạm thu. Phụ huynh cũng phải thông cảm, đầu tư cho con, tránh tư tưởng bao cấp, ỉ lại, dần thích nghi với kinh tế thị trường”.
Cần bảng giá công khai trước khi tuyển sinh
Không ít độc giả dề xuất việc trường thu những khoản nào cần có bảng giá công khai trước khi tuyển sinh.
Độc giả Đoàn Quang Phúc cho rằng: “Quan trọng là công khai ngay từ đầu, chứ đăng ký, vào học rồi mới đưa ra bảng thu vậy thì không chuẩn”.
Độc giả Lê Trân cũng đồng quan điểm: “Trường dân lập là trường tư, nên có thể xem như là dịch vụ đào tạo. Vì vậy, nhà nước cần quy định trường phải có bảng giá công khai trước khi tuyển sinh để phụ huynh và nhà trường thống nhất để tránh tranh chấp các khoản thu.
Có lúc nào bạn đi ăn mà bị thu tiền cơ sở vật chất, tiền vệ sinh, tiền điện cho quán ăn không? Các giá trị cần thu cần phải tính 1 lần vào học phí. Ngay cả tiền giáo trình, đồng phục cũng có thể tính một lần hay đưa ra bảng giá từ đầu để tránh tranh chấp từ đầu. Giá cao hay thấp lúc đó sẽ phụ huynh sẽ chọn trường phù hợp.
Cũng theo bạn Lê Trân, trường công cũng nên công khai như vậy nhưng có tiêu chuẩn chung, có giá quy định và điều kiện học tập theo quy định chung.
"Không nên chia trường trọng điểm trường không, trường tốt trường xấu dễ xảy ra tình trạng chạy trường, chạy chỗ. Trường chưa đạt thì nhà nước phải đầu tư cho đủ. Nhà nào muốn con học trong điều kiện tốt nhất thì đi học trường tư. Trường công chỉ cần yêu cầu theo mức độ chung của xã hội để tiến tới miễn phí 100% cho học sinh trường công”.
Một độc giả khác cũng mong muốn có quy định đối với những trường ngoài công lập: “Tôi thấy không hài lòng với những "chiêu trò" của các trường dân lập nhằm mục đích tận thu như vậy. Tôi mong nhà nước có quy định đối với khối giáo dục tư nhân về các khoản thu có nhiều phần vô lý, lợi dụng lợi thế của mình để ép buộc gia đình học sinh.
Ví dụ như khoản đóng góp xây dựng trường. Trường thì xây cách đây nhiều năm, mỗi năm không biết bao nhiêu học sinh đóng góp và nhiều năm như vậy vẫn yêu cầu đóng. Không biết bao nhiêu thì đủ?”.
“Phụ huynh không cần miễn phí nhưng mọi thứ đều phải có giới hạn - sự thông cảm - tôn trọng của đôi bên. Không có cái lý không được cấp kinh phí nên đè đầu phụ huynh lấy tiền. Càng không có cái lý đã lấy tiền đầu tháng lại còn đẻ thêm các khoản lẻ tẻ trong tháng. Trường học không phải là nơi gom tiền tận thu như vậy” - độc giả có tên Phát bày tỏ quan điểm.