Bé L.A.H (7 tuổi, trú tại Hà Giang) vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng sốt cao, phát ban nhiễm trùng, nổi mẩn ngứa toàn thân, mệt mỏi, đau vùng thượng vị, khó thở, nhịp tim nhanh, bụng chướng.
Năm ngày trước khi nhập viện, bệnh nhi bị ho khan nên gia đình đã tự mua thuốc cho trẻ. Sau 1 ngày, bé H. đau bụng, sốt gần 38 độ C, mẩn ngứa, phát ban toàn thân nên cha mẹ tiếp tục cho con uống thêm thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên, trẻ nổi thêm nhiều mụn đỏ, ngứa và bụng đau dữ dội. Trẻ được cấp cứu tại bệnh viện gần nhà nhưng không đỡ nên chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cùng với túi thuốc khoảng chục loại khác nhau.
Tại Trung tâm Nhi khoa, bác sĩ chẩn đoán trẻ sốc phản vệ độ 2, nghi do dị ứng thuốc, trong đó có 1 số thuốc kháng sinh, long đờm, chống viêm, chống dị ứng và thuốc viên không có tem mác.
Sau hơn 1 tuần điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và có những chuyển biến tích cực, dần hồi phục sức khỏe.
Phản vệ ở trẻ em là phản ứng quá mẫn, tức thì của cơ thể khi có sự xâm nhập dị nguyên như các loại thuốc, thức ăn… vào cơ thể. Đây là tình trạng y tế khẩn cấp, cần được chẩn đoán nhanh, xử trí sớm và điều trị tích cực.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không tự ý mua thuốc cho con uống khi chưa có đơn của bác sĩ chuyên khoa, không cho trẻ tiếp xúc với hóa chất, không chơi đùa ở môi trường có côn trùng, kiểm soát thức ăn, đồ uống của các em một cách nghiêm ngặt.
Khi thấy con em có những biểu hiện bất thường, phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Những tác nhân gây dị ứng, sốc phản vệ:
Trong y tế | Trong đời sống |
Thuốc kháng sinh, thuốc gây mê, gây tê, thuốc chống viêm, các loại vắc xin Các dịch truyền qua tĩnh mạch, thuốc cản quang. |
Các hóa chất như sơn ta, sơn dầu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng... Thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng, từ thực vật lạ, từ hải sản, đồ uống có hóa chất, nọc côn trùng cắn. |