Đây là thông tin trong nghiên cứu về Ứng xử của người thân đối với trẻ vị thành niên có triệu chứng rối loạn cảm xúc, hành vi, do bác sĩ Lê Thị Hoàng Liễu và đồng nghiệp thực hiện tại Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM). Nghiên cứu được chia sẻ tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Lê Văn Việt, vừa diễn ra vào cuối tháng 10.
Theo bác sĩ Liễu, rối loạn cảm xúc, hành vi là sự bất thường trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của trẻ, khó khăn trong việc tuân theo các nguyên tắc hay luật lệ. Các em có biểu hiện như sống cô lập, dễ mệt mỏi, tuyệt vọng, khó tập trung, chán bản thân, mất ngủ, mặc cảm, hành động như có xung lực thúc đẩy...
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1/2022 đến tháng 7/2023 trên 136 trẻ cùng với 136 người thân, giám hộ. Các em là học sinh từ 12-16 tuổi, được gia đình phát hiện có dấu hiệu hành vi bất thường và đưa đến Phòng tham vấn tâm lý - dinh dưỡng, Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Kết quả ghi nhận, khi mới phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường, hơn 82% người thân chưa biết ứng xử thế nào. Sau đó, khoảng một nửa người thân sẽ quan tâm, trò chuyện. Khi qua 6 tháng mà trẻ vẫn còn biểu hiện hành vi, sự kiên trì của người thân giảm dần.
Khoảng 78% người thân sử dụng hình phạt, thậm chí bạo lực, khiến trẻ có dấu hiệu rối loạn cảm xúc diễn tiến thành rối loạn hành vi ngày càng nặng. Các hình phạt bao gồm: cắt giảm tiền quà bánh, phạt quỳ gối, úp mặt vào tường, viết cam kết, la mắng, bêu riếu hoặc kể chuyện của trẻ cho người khác, bỏ mặc trẻ...
Riêng nhóm trẻ được gia đình gần gũi, chăm sóc và đồng cảm lại có biến chuyển khác. Trẻ giảm dần biểu hiện và điều chỉnh dần hành vi.
Khảo sát này cũng ghi nhận tuổi của người thân càng cao, sự gần gũi với trẻ càng thấp. Trẻ cảm thấy cô lập, thu mình, không muốn chơi với bạn. Khi ở nhà, trẻ ăn uống một mình, không tiếp xúc trò chuyện hay hoạt động cùng gia đình.
Bác sĩ Liễu khuyến nghị gia đình cần quan tâm đến trẻ vị thành niên để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời khi các em có biểu hiện rối loạn cảm xúc, hành vi. Cha mẹ và gia đình cần điều chỉnh hành vi ứng xử của mình và kiên trì trong giai đoạn can thiệp cho trẻ.
Bác sĩ nhấn mạnh theo UNICEF, năm 2021, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi lại có một người được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử.