Trong tập 41 của The Khang show, NSƯT Thành Lộc chiêm nghiệm hơn 40 năm cống hiến cho nền sân khấu. Anh hoạt động chuyên nghiệp từ năm 8 tuổi tại Ban kịch thiếu nhi của Đài truyền hình Sài Gòn, học trường sân khấu năm 1975 rồi tốt nghiệp năm 1982.
Theo anh, quyết định dừng hoạt động ở Sân khấu kịch Idecaf là sự chuyển đổi cần thiết sang phương thức hoạt động khác. Từ đoàn kịch trẻ thuộc Sở Văn hóa & Thông tin TP.HCM, Sân khấu kịch 5B đến Idecaf, Thành Lộc không ít lần chia tay nơi từng nghĩ sẽ gắn bó cả đời.
Đầu thập niên 1980, anh bị nhận xét là dại dột khi từ bỏ biên chế Nhà nước vốn ổn định, là niềm tự hào và ước mơ của nhiều người. Sau này, nghệ sĩ lại rời Sân khấu 5B, nơi từng bảo chứng chuyên môn nghệ thuật cho cái tên Thành Lộc.
Anh tin những cuộc chuyển đổi đều thuận theo quy luật tự nhiên, dòng chảy của xã hội, không có gì quá đặc biệt. Dù vậy, mỗi quyết định ra đi với người sống thiên về tình cảm như anh không dễ dàng.
Rời Idecaf, Thành Lộc muốn sống khép mình và theo đuổi dòng sân khấu "off-broadway". Có lần, anh bước vào sân khấu gần trục đường Broadway (New York, Mỹ) nơi tập trung gần 40 nhà hát, sân khấu kịch nổi danh trên thế giới.
Khi ấy, sân khấu này đang trình diễn thuộc khuôn khổ một sự kiện lớn với số ghế chỉ vỏn vẹn 70. Buổi diễn đánh thức đam mê trong Thành Lộc, thôi thúc anh theo dòng sân khấu "đi sâu vào trải nghiệm, dàn dựng tinh vi và rất kén khán giả" sau nhiều năm gặt hái thành công, sống trong hào quang.
Khi host Nguyên Khang hỏi tin đồn rời Idecaf vì lý do tài chính, Thành Lộc bật cười nói mọi cuộc chia tay đều bắt nguồn từ bất đồng quan điểm. Dù ở sân khấu nào, Thành Lộc hiểu mình ở vị trí người làm công, khi không cùng suy nghĩ với người chủ sẽ rất khó làm việc nên chọn ra đi.
Thành Lộc từng đề xuất với ban giám đốc Công ty TNHH Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương ghi hình những vở kịch mang giá trị lịch sử, nghệ thuật cao như Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, 12 bà mụ... để lưu kỷ niệm cũng như làm tư liệu.
Một số vở, trong đó có Hợp đồng mãnh thú, bị từ chối vì sợ ảnh hưởng doanh thu sân khấu. Khi vở này được lưu diễn Mỹ, Thành Lộc đã gần 60 tuổi, không thể ghi hình vì nhân vật chính trong tác phẩm là chàng trai ở tuổi đôi mươi. Nghệ sĩ luyến tiếc, cho rằng đó là một trong những sự việc anh và những cộng sự không tìm được tiếng nói chung.
Nhớ quãng thời gian đặt viên gạch đầu tiên cho thương hiệu kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa, lúc thực hiện những vở đầu tiên, anh không nghĩ sẽ tạo ra lớp khán giả nhí lớn lên, trở thành cha mẹ dẫn con đến sân khấu kịch. Anh tin việc khán giả nhí lớn lên, chia tay Ngày xửa ngày xưa để tìm đến dòng kịch người lớn giống hành trình "trồng người". Theo nghệ sĩ, vòng tròn này là bí quyết thành công của Idecaf.
Anh không đồng tình ý kiến "Không ai có thể thay thế Thành Lộc". Nghệ sĩ nói: "Thời tôi đảm nhận vai trò quan trọng trong chuỗi kịch Ngày xửa ngày xưa, trẻ em không biết Đình Toàn là ai. Bây giờ, các bé chỉ thích chú Đình Toàn, cô Mỹ Duyên, kế đến là Đông Hải, Lê Hoàng Giang; còn chú Thành Lộc có thì vui, không thì thôi, không quá quan trọng".
Thành Lộc gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ nên họ không chấp nhận, cảm thấy mất mát khi chuỗi kịch nổi tiếng không còn anh. Tuy nhiên, anh cũng nhận ra trẻ em ngày nay dần không biết Thành Lộc nữa.
"Những lần ra đường, tôi thường gặp khán giả đi cùng con. Trong khi cha mẹ mừng rỡ nắm tay, nói "Chú là tuổi thơ của con" thì các em nhỏ dè dặt nhìn tôi. Điều đó hết sức bình thường, chúng ta hãy để cho thế hệ khán giả nhí ngày nay có thần tượng mới", nghệ sĩ chia sẻ.