Đảo Lý Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý có diện tích tự nhiên 9,97 km2, dân số trên 19.800 người. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thường được các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa xưa (như họ Võ, họ Phạm…) tổ chức vào dịp "cúng việc lề" của họ và do cộng đồng tổ chức tại đình làng vào ngày 15, 16 tháng 3 Âm lịch.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”.
Như vậy, hải đội Hoàng Sa vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ, để tiện luồn lách trong quần đảo có nhiều rạn san hô và bãi đá ngầm hiểm trở. Qua các nguồn sử liệu cho thấy, từ thế kỷ 17 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có nhiều sự kiện liên quan đến hoạt động của Đội Hoàng Sa. Suốt nhiều thế kỷ sau đó, cứ tiết tháng Ba này, bao người dân Lý Sơn đã vượt sóng gió, bão giông thẳng hướng Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc thủy trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền và khai thác sản vật theo lệnh của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này.
Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn phải đối mặt với nguy cơ "một đi không trở lại", đã hình thành ở Lý Sơn những câu hát dân gian "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"; "Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"… Và, rất nhiều câu ca nói về đội Hoàng Sa và Trường Sa được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để truyền cho thế hệ mai sau về một thời bi hùng oanh liệt trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mỗi chuyến đi là "một đi không trở lại", nên người dân trên đảo lập các ngôi mộ kiểu “chiêu hồn nhập cốt”, hiện còn các mộ của Cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng.
Tương truyền, mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển. Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán. Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.
Mâm lễ cùng bài vị tượng trưng cho linh hồn những người lính Hoàng Sa thuở trước được trân trọng bài trí giữa sân đình. Khói hương nghi ngút quyện vào hơi mặn của biển làm cho không khí lễ khao lề thêm trầm mặc, linh thiêng. Vị chủ lễ thay mặt dân làng cúng tế, dâng hương. Vì tình thân ruột thịt và lòng yêu kính, cư dân đất đảo dường như ai cũng thuộc lòng bài cúng ấy, đọc theo chủ lễ và khấn lạy.
Trước linh thiêng khói hương, những câu thơ cũ cứ réo rắt, như hiện về hình bóng hùng binh Hoàng Sa thuở trước. Những vần thơ man mác buồn, nhắc nhớ sâu sắc trong lòng những người dân hôm nay về tinh thần hy sinh vì biên hải Tổ quốc của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa.
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa
Tại Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa nằm trong cụm di tích lịch sử của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã lưu giữ rất nhiều các tư liệu của các nhà thờ, tộc họ liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa. Ở đây cũng còn lưu giữ nhiều bản đồ tư liệu, các châu bản của triều đình liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, những phu binh không chỉ có công trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vùng biển, mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả cắm mốc khẳng định chủ quyền.
Nghi lễ tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, còn bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, gắn liền với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của nước ta.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó của di sản văn hóa này, tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Hồng Nhung