Trí thức Việt kiều không ngại khổ, chỉ cần có bài toán đủ khó, đủ hay

“Tập đoàn FPT vừa hợp tác với NVIDIA, quyết định đầu tư 5.000 tỷ đồng để xây dựng AI Factory (Nhà máy trí tuệ nhân tạo) tại Việt Nam, đồng thời đầu tư rất lớn vào chip và bán dẫn. Chúng tôi cần biết thông tin của các chuyên gia người Việt Nam về AI và chip bán dẫn trên thế giới cũng như cách liên hệ với họ. FPT đang có hệ thống văn phòng ở 85 thành phố trên toàn cầu, dù rất cố gắng nhưng không dễ dàng để liên hệ với các chuyên gia như vậy”, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT giãi bày.

Tại hội thảo “Kết nối Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức sáng 23/12, ông Tiến đề xuất Ủy ban đứng ra làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước có thể liên hệ được với các chuyên gia hàng đầu người Việt Nam trên thế giới.

Ong Hoang Nam Tien.jpg
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT. Ảnh: Bình Minh

Khao khát tìm kiếm nhân tài, lãnh đạo Tập đoàn FPT đã tìm rất nhiều cách để “chiêu hiền đãi sĩ”. Bởi những người đứng đầu FPT hiểu rất rõ vai trò của những chuyên gia hàng đầu người Việt ở nước ngoài. Chẳng hạn tại Mỹ, sau khi lãnh đạo FPT tiếp cận được ông Phương Trầm, cựu CIO của Dupont (tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới), thì việc gặp gỡ các doanh nghiệp khác cũng dễ dàng hơn nhiều.

Đầu tháng 12 vừa rồi, tại Đại học Tokyo, ông Tiến vô cùng ngạc nhiên và tự hào khi gặp hàng loạt giáo sư, tiến sĩ người Việt đang đứng đầu những dự án hàng đầu của Nhật Bản. Ví dụ, dự án liên quan chất siêu dẫn dùng cho máy tính lượng tử, đề án thay thế silicon trong chất bán dẫn… Nguồn lực lớn như vậy vẫn chưa được Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của ông Tiến về việc “có định về Việt Nam sinh sống không”, có người chia sẻ: “GDP bên này gấp 15-20 lần Việt Nam, thu nhập của chúng tôi đang vượt trội so với bất kỳ chính sách đãi ngộ nào ở Việt Nam. Chúng tôi có thể chịu khổ, nhưng môi trường làm việc ở Việt Nam không phù hợp. Chúng tôi cũng đã về Việt Nam nhiều lần, được tiếp đãi rất cẩn thận, nhưng không có những bài toán đủ hay, đủ khó”.

Các chuyên gia, trí thức người Việt ở Mỹ, Nhật Bản, Đức… thường xuyên được tiếp xúc với đỉnh cao công nghệ. Các nhà khoa học hàng đầu sẵn sàng chịu khổ, nhận lương thấp, nhưng phải được làm những bài toán vừa hay vừa khó. Tham gia đóng góp cho những đề án thách thức cũng là niềm tự hào với họ.

Khi ông Tiến nói chuyện với những trí thức hàng đầu như vậy, dù là công dân nước khác nhưng họ luôn nhớ mình là người Việt Nam. Nhắc tới trách nhiệm, sứ mệnh của trí thức người Việt với đất nước, họ đều không lo chuyện “về nước được gì”, cần đãi ngộ gì, mà chỉ hỏi “Nhà nước, bộ, ngành, địa phương có bài toán nào để chúng tôi làm, chứ không phải chỉ về thăm vài chỗ, phát biểu vài bài”.

“Lãnh đạo FPT đã bỏ rất nhiều công sức đến các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, tìm đủ mọi cách để mời gọi chuyên gia, trí thức hàng đầu người Việt cùng hợp tác. Doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tự lo cách kết nối với đội ngũ “tinh hoa” người Việt ở nước ngoài. Nhưng như thế chưa đủ. Về bình diện quốc gia cần có một tổ chức nhà nước làm việc này”, ông Tiến nhận định.

Vị lãnh đạo Đại học FPT đề xuất Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao đứng ra làm cầu nối, phát huy vai trò “bà đỡ”. 

Mỗi chuyến đi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Đức, Nhật…, Bộ Ngoại giao nên chủ động mời tất cả các nhân sĩ, nhân tài ở nước sở tại đến dự buổi gặp mặt, chia sẻ thông tin về những việc đất nước đang làm, muốn làm, muốn có sự hỗ trợ của họ. 

“Hãy nêu cao “trách nhiệm” và “sứ mệnh” của người trí thức Việt kiều. Với tinh thần “'Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, họ sẽ sẵn sàng tham gia”, ông Tiến nhấn mạnh.

Sẽ có cơ sở dữ liệu về trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài

“Dù có thể khác nhau về góc nhìn, quan điểm chính trị, song mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều mang trong mình tâm thế là người Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ trong nước, dù ít dù nhiều”, ông David Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Úc, một trong những chuyên gia tham gia Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu nhiều năm nay, bày tỏ.

Tháng 10 vừa qua, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Úc hỗ trợ 1 đoàn của Ban Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đà Nẵng sang thăm quan Úc, làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu về bán dẫn, AI. Chỉ riêng 1 trường đại học Úc cũng đã có tới khoảng 400 lab về máy tính lượng tử, bán dẫn, AI… Và ngay tháng 11 đã đưa 1 đoàn giáo sư Úc về Đà Nẵng tổ chức 1 hội thảo chuyển giao công nghệ cho các startup tại địa phương này.

“Hệ thống mentor (người tư vấn, hướng dẫn) quốc tế có thể hỗ trợ bằng cách tận dụng nguồn lực của các nước sở tại để tạo điều kiện cho startup người Việt ở nước sở tại cũng như startup Việt Nam đi ra nước ngoài. Các startup Việt hãy tăng cường liên kết với startup người Việt ở các thị trường khác để phát triển tốt hơn công nghệ, giải pháp của mình khi vươn ra thị trường quốc tế”, ông David Nguyễn cho hay.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ lưu ý, chưa nhiều startup Việt kết nối với lực lượng người Việt ở nước ngoài để khẳng định vị trí của mình trong các lĩnh vực công nghệ. Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc… đang làm việc này rất tốt, trở thành những mô hình rất phát triển.

“Hàng năm, lượng kiều hối gửi về Việt Nam rất nhiều, nhưng dự án đầu tư cho startup chưa nhiều. Chúng ta đang bàn khá nhiều thứ như tăng trưởng xanh, bán dẫn, chip AI…, nhưng thực tế rất nhiều kiều bào chưa nắm được tình hình cụ thể trong nước hiện tại cũng như mong muốn phát triển trong tương lai. Hôm qua tôi thăm một số cơ sở giáo dục đào tạo ở Đức, có nhiều giáo sư AI người Việt. Họ muốn đóng góp cho Việt Nam nhưng phải là những địa chỉ, dự án cụ thể, giải quyết thách thức cụ thể chứ không phải chỉ là nêu vấn đề”, ông Quất nói thêm.

Ong Nguyen Manh Dong.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Bình Minh

Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, tại 130 quốc gia, ngày càng trẻ hóa. Ví dụ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có trên 600 nghìn người đang sinh sống, học tập, làm việc. 

Trước đây, doanh nghiệp Việt ở các nước ngoài chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, giờ đã mở rộng lĩnh vực hoạt động thêm nhiều ngành mới như công nghệ số, công nghệ xanh…

Theo ông Đông, thời gian qua, chúng ta đã phát huy xu thế liên kết, hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo của người Việt Nam ở nước ngoài tại Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…, biến tiềm năng thành cơ hội thực sự, kết nối nguồn tri thức chuyên gia người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đem lại lợi ích chung cho tất cả các bên, vì sự phát triển đất nước và cộng đồng.

Gần đây, một số chuyên gia tri thức người Việt trên thế giới đã xây dựng và vận hành nền tảng VietSearch, với khoảng 10.000 dữ liệu về các chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, thời gian tới, cần tăng cường, đa dạng hóa hơn nữa hình thức kết nối các mạng lưới chuyên gia người Việt Nam trong và ngoài nước.

"Chúng tôi sẽ thúc đẩy hình thành cơ sở dữ liệu về các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, liên tục cập nhật, liên thông dữ liệu giữa trong nước với ngoài nước để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có thể khi cần", ông Đông thông tin thêm.