Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2023 vừa được Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long có chủ đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo diện hẹp".

Trí tuệ nhân tạo (AI) diện hẹp là AI chuyên biệt và tập trung. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế, đào tạo để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể hoặc những nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Trong phát biểu tại sự kiện Tuần lễ số quốc tế Việt Nam năm nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: AI diện hẹp hiện đã sẵn sàng để ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng AI diện hẹp có thể giúp cải thiện hiệu quả AI trong các ứng dụng cụ thể, giúp đưa AI đến với tất cả mọi người ở mọi quốc gia ở mọi trình độ khác nhau, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“AI diện hẹp là AI của riêng bạn, là đứa con, là bộ não mở rộng của bạn. Đó là phần mở rộng của bộ não của bạn. Bạn cần cho con ăn thức ăn của bạn. Bạn cần cung cấp cho AI diện hẹp của mình các dữ liệu và thuật toán của bạn. Bạn huấn luyện AI của riêng bạn và sau đó sử dụng AI của riêng bạn. Bạn tạo ra nó, vì thế bạn tin tưởng nó. AI diện hẹp nằm dưới sự kiểm soát của bạn hoặc tổ chức của bạn bởi vì bạn đã tạo ra nó, chứ không phải ai khác. AI diện hẹp là AI dùng riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Ngay trước đó, tại diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V chủ đề: “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” cũng được Bộ TT&TT tổ chức tại Quảng Ninh, người đứng đầu ngành TT&TT cũng đã chia sẻ quan điểm về AI hẹp, đồng thời khẳng định rằng năm 2024 sẽ là năm Việt Nam tập trung phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. 

W-ai-dien-hep-1-1-1.jpg
Bà Sharmista Appaya, chuyên gia hàng đầu từ Ngân hàng thế giới chia sẻ quan điểm về những cơ hội và thách thức từ AI hẹp. (Ảnh: Đức Huy)

Trao đổi tại hội nghị bàn tròn về phát triển và ứng dụng AI diện hẹp trong nền kinh tế số trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2023, bà Sharmista Appaya, chuyên gia hàng đầu từ Ngân hàng thế giới, đã mang đến những thông tin chiến lược quan trọng về việc phát triển AI hẹp.

Theo bà Sharmista Appaya, được thiết kế để nhận biết mẫu dữ liệu và giải quyết nhiệm vụ cụ thể, AI hẹp đang mở ra những triển vọng mới trong lĩnh vực công nghệ. AI hẹp hứa hẹn mang lại những lợi ích đáng kể nhờ khả năng giải quyết nhiều bài toán đa dạng, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu năng suất công việc.

Tại Ấn Độ, hiệu suất công việc giữa nam giới và nữ giới trong lĩnh vực kinh doanh vẫn đang tồn tại khoảng cách lớn. Ứng dụng AI hẹp trong việc phân loại sản phẩm, dự đoán doanh số bán hàng, nhu cầu sản phẩm từ dữ liệu điểm bán hàng đã mang lại sự đột phá đáng kể. Bằng cách này, AI hẹp không chỉ cung cấp thông tin chi tiết mà còn thu hẹp hiệu suất công việc giữa nam giới và nữ giới.

Chuyên gia Ngân hàng thế giới đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ chế quản lý thử nghiệm, giúp tạo ra một không gian an toàn cho công nghệ AI. Thông qua việc thử nghiệm các quy tắc và nguyên tắc đạo đức trong môi trường thực tế, cơ chế này hỗ trợ các bên liên quan hiểu rõ hơn về trách nhiệm của họ trong quá trình triển khai công nghệ mới.

ai dien hep 3.jpg
Năm 2024 sẽ là năm Việt Nam tập trung phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, bà Sharmista Appaya cũng đề cập đến một loạt thách thức với ngành công nghiệp AI, như hiện nay bộ quy tắc ứng xử vẫn đang trong giai đoạn phát triển; hay việc thiếu hụt hạ tầng số, dữ liệu, hiểu biết ngữ cảnh.

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng gia tăng, các khung chính sách và chiến lược về AI trên khắp thế giới đang dần được hoàn thiện để giải quyết những thách thức trên. Châu Âu, châu Mỹ, châu Á và các tổ chức quốc tế đang thông qua các đạo luật liên quan đến lĩnh vực này, tạo nên một bức tranh đa dạng về sự phát triển của AI toàn cầu.

Theo các chuyên gia, bài thuyết trình của chuyên gia Ngân hàng thế giới Sharmista Appaya tại Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2023 không chỉ mở ra cơ hội để nhiều người hiểu rõ hơn về AI hẹp, mà còn góp phần thúc đẩy các bên trao đổi về những thách thức cũng như cơ hội quan trọng liên quan đến lĩnh vực này trong tương lai. Bài trình bày của bà Sharmista Appaya cũng đã đặt ra nhu cầu thúc đẩy hợp tác toàn cầu để xây dựng một tương lai AI toàn diện và bền vững.