Đại diện các bến xe tại TP.HCM dự báo, lượng người sử dụng xe khách để di chuyển về các địa phương sẽ tăng mạnh vào nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây do kỳ nghỉ năm nay kéo dài tới 4 ngày.
Cụ thể, theo Bến xe miền Đông, ngày cao điểm nhất là 29/4 sẽ có khoảng 25.100 lượt khách; Bến xe miền Tây là khoảng 49.000 lượt, hành khách tập trung đông vào chiều tối ngày thứ 6 (29/4) và nguyên ngày thứ 7 (30/4). Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhiều nhà xe đã quyết định không tăng hoặc tăng giá vé ở biên độ thấp để giữ chân hành khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Anh Phạm Thanh Duyên - chủ nhà xe Duyên Hà (tuyến TP.HCM - TP. Gia Nghĩa, Đak Nông) cho biết, giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải. DN cũng đã được cơ quản lý nhà nước đồng ý cho điều chỉnh tăng giá vé: Xe giường nằm, giá tăng từ 150.000 đồng/lượt lên 180.000 đồng/lượt; xe limousine, giá tăng từ 170.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt.
Dẫu vậy, trên thực tế, khi bán vé cho khách thì nhà xe vẫn lấy theo mức giá cũ. Anh Duyên lý giải, đến nay, lượng khách vẫn chưa đạt được như thời điểm trước dịch nên nếu có tăng giá vé thì lợi nhuận thu về cũng không đáng kể. Mặt khác, khách đang quen đi với giá cũ mà giờ điều chỉnh giá có thể dẫn đến mất khách.
Tương tự, đại diện nhà xe Hảo (tuyến TP.HCM - Cà Mau) cho rằng, thời điểm này tăng cước vận tải là không khả quan bởi nhiều hành khách đi các tỉnh đang gặp khó khăn về kinh tế. Do đó, bất chấp chi phí xăng dầu biến động thời gian qua, DN không đề xuất tăng giá trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây.
Đối với Kumho Samco Buslines (tuyến TP.HCM - Hà Tiên, Kiên Giang), trước đây, tiền dầu chạy xe khoảng 2,3 triệu/chuyến thì giờ đã lên 4,4 triệu/chuyến, cao gần gấp đôi. Dù được phép tăng giá vé cao hơn nhưng DN chỉ tăng 10%, bởi tăng nhiều quá sợ người dân không sử dụng dịch vụ nữa.
Anh Vương Long Hà - Điều hành nhà xe Thành Công (tuyến TP.HCM - Bình Phước) thông tin, công ty hiện điều chỉnh giá ở mức chấp nhận được, tăng 10.000 đồng/người/lượt để đảm bảo công tác vận hành của DN vận tải. Cụ thể, từ TP.HCM đi TP.Đồng Xoài tăng từ 80.000 lên 90.000 đồng/lượt, TP.HCM đi Thị xã Phước Long tăng từ 90.000 lên 100.000 đồng/lượt.
Liên quan đến đề xuất điều chỉnh giá vé của các nhà xe, ông Trần Nhân Hậu, Trưởng phòng Điều hành Bến xe miền Tây, cho hay, bến mới chỉ ghi nhận duy nhất một đơn vị đề xuất tăng giá vận chuyển hành khách trong đợt nghỉ lễ 30/4. Vào đầu tháng 3/2022, ở đợt giá xăng dầu tăng mạnh, bến xe đã ghi nhận 51/127 đơn vị có gửi kê khai tăng giá vé, mức tăng bình quân từ 10-20%.
Trong khi đó, Bến xe miền Đông đang khuyến khích các DN không thực hiện điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian phục vụ lễ 30/4-1/5. Trường hợp đơn vị vận tải có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo đủ chi phí quay đầu (khi không có khách chiều về) giải tỏa hành khách, thời gian điều chỉnh tối đa trong hai ngày 29/4 và 30/4/2022. Mức điều chỉnh tối đa như các năm trước.
Cụ thể:
- Khu vực từ Quảng Ngãi trở vào Bình Thuận, các tuyến khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng và khu vực miền Tây điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường.
- Các tuyến thuộc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh tăng không quá 20% so với ngày thường.
Các đơn vị vận tải gửi hồ sơ kê khai tăng giá cước và bảng niêm yết giá vé về bộ phận quản lý bến trước 5 ngày để được kiểm tra và xác minh tính chính xác của giá vé đã đăng ký. DN vận tải có trụ sở tại địa phương nào thì liên hệ Sở GTVT tại địa phương đó để được hướng dẫn kê khai giá cước dịp lễ 30/4-1/5.
Đối với các xe tăng cường do Bến xe miền Đông điều động như xe chạy lệch tuyến, xe hợp đồng, xe buýt, sẽ xây dựng bộ giá cước theo quy định tại Thông tư 191/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách lúc cao điểm trong các dịp lễ, Tết.
Trần Chung
11 doanh nghiệp vận tải hành khách tại Bến xe miền Đông (TP.HCM) đã kê khai, điều chỉnh tăng giá vé ở mức khoảng 20% so với trước đây.