“Siêu máu của tôi đã giúp bố giảm 24 tuổi”, vị triệu phú người Mỹ chia sẻ trong một bài đăng trên X ngày 15/11.
Bryan Johnson, 46 tuổi, nổi tiếng với các phương pháp điều trị chống lão hóa gây tranh cãi. Johnson cho biết, cha ông đã được tiêm một lít huyết tương - chất dịch trong máu. Nhờ đó, người cha 70 tuổi của vị triệu phú hiện có tuổi sinh học là 46.
Johnson đã truyền huyết tương của mình cho cha khoảng 6 tháng trước. Tuy nhiên, cùng ngày, ông nhận huyết tương từ cậu con trai 17 tuổi nhưng không ghi nhận được lợi ích gì.
Trong bài đăng, Johnson giải thích, mức độ lão hóa của cha mình được đánh giá dựa trên dấu ấn sinh học xác định bằng các xét nghiệm nhưng không tiết lộ chi tiết hơn.
Dù vậy, theo bác sĩ Oliver Zolman, dù dấu ấn sinh học là công cụ hữu ích để đánh giá những gì đang diễn ra trong cơ thể nhưng không phải là thước đo chính xác về sự lão hóa. Bác sĩ Zolman là người đứng đầu nhóm bác sĩ, chuyên gia hơn 30 người trong dự án trường thọ trị giá 2 triệu USD của Johnson.
Bản thân vị triệu phú cũng lưu ý không thể đánh giá liệu mũi tiêm đã dẫn đến sự thay đổi về tốc độ lão hóa hay điều gì khác đang xảy ra.
Johnson, người tự coi mình là một "vận động viên trẻ hóa chuyên nghiệp", đã thử hàng chục biện pháp can thiệp vào bản thân để xem có thể làm chậm quá trình lão hóa hay không. Đó là chế độ ăn kiêng được kiểm soát cẩn thận, quá trình tập luyện nghiêm ngặt cho đến tiêm mỡ và điều trị bằng laser.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết một số phòng khám ở Mỹ cung cấp dịch vụ tiêm huyết tương từ những người hiến tặng trẻ tuổi để điều trị chống lão hóa.
Trong một số trường hợp như chữa lành vết thương, việc sử dụng huyết tương có thể có ý nghĩa. Theo Đại học John Hopkins, hướng nghiên cứu đó đang phát triển nhanh chóng, nhưng hiện chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy huyết tương có thể làm giảm sự lão hóa.