Trong giai đoạn 1980 – 2015, Trung Quốc triển khai chính sách một con nhằm hạn chế sự bùng nổ dân số. Tuy nhiên, năm 2021, nhà chức trách đã nâng giới hạn lên 3 con để chống lại xu hướng suy giảm dân số. Song, ngay cả trong thời gian gần 3 năm đại lục áp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19 và các cặp đôi có nhiều thời gian cùng nhau ở nhà hơn, họ vẫn không mấy mặn mà với việc có con.
Những người trẻ tuổi trích dẫn chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em cao, thu nhập thấp, mạng lưới an sinh xã hội chưa tốt, bất bình đẳng giới là những nguyên nhân khiến họ “ngại đẻ”.
Theo Reuters, tại cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) diễn ra trong tháng này, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ vấn đề trên, bao gồm cả trợ cấp cho các gia đình nuôi con đầu lòng, mở rộng giáo dục công miễn phí và cải thiện việc tiếp cận các liệu pháp điều trị sinh sản.
Các chuyên gia coi số lượng lớn đề xuất là một dấu hiệu tích cực cho thấy Bắc Kinh đang khẩn trương đối phó với tình trạng già hóa và suy giảm nhân khẩu học, sau khi dữ liệu thống kê chính thức cho thấy dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ vào năm ngoái. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo, với xu hướng giảm như hiện nay, Trung Quốc sẽ "trở nên già hơn trước khi giàu hơn" vì lực lượng lao động suy giảm và các chính quyền địa phương phải chi nhiều hơn để chăm sóc người cao tuổi.
Đại biểu CPPCC Jiang Shengnan đề xuất thanh niên chỉ làm việc 8 tiếng/ngày để có thời gian "yêu, kết hôn và sinh con" cũng như đảm bảo phụ nữ không phải làm việc quá sức. Nhiều tỉnh hiện chỉ trợ cấp cho các gia đình sinh con thứ 2 và thứ 3. Song, bà Jiang cho rằng, việc áp dụng những biện pháp khuyến khích sinh con đầu lòng có thể thúc đẩy các cặp vợ chồng không còn e ngại việc sinh đẻ.
Ngoài ra, các sáng kiến như chế độ nghỉ thai sản do chính phủ chi trả thay vì người sử dụng lao động được tin sẽ giúp giảm bớt sự phân biệt đối xử với phụ nữ, trong khi việc tăng thời gian nghỉ thai sản nhiều khả năng sẽ loại bỏ rào cản đối với các ông bố trong việc đảm nhận nhiều trách nhiệm nuôi dạy con cái hơn.
Tuy nhiên, nhà nhân khẩu học Yi Fuxian vẫn hoài nghi liệu các biện pháp trên có tác động đáng kể hay không. Theo ông, Trung Quốc cần một "cuộc cách mạng mô hình về toàn bộ nền kinh tế, xã hội, chính trị và ngoại giao để tăng mức sinh".