Tuy có bề ngoài giống nhau, sản phẩm của Trung Quốc lại có giá đắt hơn nhiều, khoảng 4.109 USD.
Về mặt thông số, thiết bị này trông giống với Starlink do SpaceX sản xuất nhưng nhỏ hơn (cao 430 mm so với 513 mm) và không đi kèm bộ định tuyến Wifi - cho thấy có thể modem đã được tích hợp sẵn bên trong.
Ngoài ra, sản phẩm của Trung Quốc đi kèm viên pin 20.000 mAh với hộp đựng để sử dụng trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Đại diện nhà sản xuất cho biết, công ty hướng thiết bị này tới những khách hàng muốn duy trì kết nối Internet tại các vùng lõm sóng di động, bao gồm cả những người tiêu dùng có sở thích “đam mê xê dịch”.
Để nhận dữ liệu băng thông rộng, thiết bị giao tiếp với các vệ tinh từ công ty APStar có trụ sở tại Hong Kong - chi nhánh liên kết với Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Thay vì sử dụng các vệ tinh quay quanh Trái Đất tầm thấp như Starlink, APStar vận hành các vệ tinh địa tĩnh ở độ cao cao hơn. Trong trường hợp của OneLinQ, công ty có kế hoạch khai thác vệ tinh APStar 6D để nhận dữ liệu Internet. Kết quả hứa hẹn sẽ mang lại tốc độ tải xuống (download) lên tới 100 Mbps và tốc độ tải lên (upload) 20 Mbps cho người dùng ở Trung Quốc. Thiết bị cũng có thể hỗ trợ kết nối Wifi trong bán kính 50 m.
Mặc dù có một số điểm tương đồng với Starlink nhưng sản phẩm của OneLinQ sẽ có giá cao hơn đáng kể. Công ty Trung Quốc có kế hoạch bán một mẫu tiêu chuẩn với giá 29.800 nhân dân tệ (khoảng 4.109 USD) và phiên bản chuyên nghiệp mạnh mẽ hơn với giá 49.800 nhân dân tệ (khoảng 6.868 USD).
Năm 2022, tờ The Financial Times đưa tin, CEO SpaceX Elon Musk đã đảm bảo với chính phủ Trung Quốc sẽ không ra mắt Starlink ở nước này. Trong khi đó, sản phẩm của OneLinQ dự kiến sẽ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc về nội dung Internet.
(Theo PCmag)