Theo nghiên cứu mới đây của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co, giá trị tài sản ròng của Trung Quốc tăng 17 lần từ 7.000 tỷ USD năm 2000 lên 120.000 tỷ USD vào năm 2020. Đất nước 1,4 tỷ dân đã vượt Mỹ trở thành nước có tài sản lớn nhất thế giới.
Trong cùng giai đoạn, tài sản ròng trên toàn cầu tăng từ 156.000 tỷ USD lên 514.000 tỷ USD. Điều đáng nói là theo tính toán của McKinsey, 68% tài sản trên toàn cầu là bất động sản. Hãng tư vấn cũng cảnh báo về tính bền vững của sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản.
"Riêng Trung Quốc có thể gặp rắc rối vì bom nợ, tương tự khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande", McKinsey cảnh báo, đề cập đến tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định đà tăng của kinh tế Trung Quốc đã chững lại vì cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Triển vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ phụ thuộc vào cách giới chức Bắc Kinh giải quyết những vấn đề trong ngành nhà đất.
Doanh số bán đất đã thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hàng chục doanh nhân bất động sản của Trung Quốc trở thành tỷ phú. Ảnh: Reuters. |
Chao đảo vì khủng hoảng nợ
"Không còn gì nghi ngờ về việc Trung Quốc đã chứng kiến bước thụt lùi lớn trong vài tháng qua. Thị trường bất động sản là một phần rất quan trọng của nền kinh tế, cũng như giá trị tài sản ròng của đất nước 1,4 tỷ dân", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
"Cách Bắc Kinh đối phó với sự sụp đổ của China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ hai đất nước, ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng sang các nhà phát triển bất động sản khác và toàn bộ ngành công nghiệp, sẽ quyết định triển vọng của kinh tế Trung Quốc trong những năm tới", vị chuyên gia nói thêm.
Theo ông Erlam, cuộc khủng hoảng China Evergrande là hậu quả của quá trình vay nợ và mở rộng ồ ạt của tập đoàn bất động sản Trung Quốc. "Nhưng nó cũng phơi bày những lỗ hổng trong ngành công nghiệp nhà đất của nước này", vị chuyên gia bình luận.
Dự báo mới nhất của Bloomberg Economics chỉ ra GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý IV, sau mức tăng đáng thất vọng 4,9% vào quý III. Trước đại dịch Covid-19, con số lên tới 6-7%.
Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc sụt giảm vì nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong số các nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
"Hố nợ" hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong một ngành công nghiệp phát triển nóng, sử dụng đòn bẩy quá mức, đối mặt với nhu cầu chậm lại và giờ chật vật để thanh toán các hóa đơn.
Bất động sản chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Doanh số bán đất đã thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hàng chục doanh nhân bất động sản trở thành tỷ phú. Do đó, những rắc rối của ngành công nghiệp có thể tạo ra lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu nhà ở và giá nhà tại Trung Quốc đã hạ nhiệt trong những tháng qua. Cụ thể, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 10, giá nhà mới ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lao dốc 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tính toán của Reuters chỉ ra giá giảm 0,2% so với tháng trước, mức lớn nhất kể từ tháng 2/2015.
Chấn chỉnh ngành bất động sản
Theo phân tích của Goldman Sachs, giá nhà tại 70 thành phố của Trung Quốc sụt giảm 0,8% so với tháng trước đó. "Giá nhà ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 vẫn tiếp tục tăng, nhưng giá tại những thành phố cấp thấp hơn đều lao dốc", ngân hàng đầu tư này nhận định.
Nhà kinh tế Logan Wright của Rhodium Group cho rằng nếu mạnh tay xử lý tình trạng mất cân bằng trên thị trường bất động sản, chính quyền Bắc Kinh sẽ yêu cầu các hoạt động xây dựng chậm lại trong nhiều năm. "Điều này chắc chắn làm tăng trưởng kinh tế giảm tốc do sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Erlam, nếu giới chức Bắc Kinh xử lý tốt các vấn đề của ngành công nghiệp bất động sản và ảnh hưởng từ "bom nợ" China Evergrande, Trung Quốc vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong dài hạn.
Ông Zou Lan - người đứng đầu thị trường tài chính tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - khẳng định mức độ ảnh hưởng của China Evergrande đối với các tổ chức tài chính là không lớn.
PBoC khẳng định hoàn toàn "có thể kiểm soát" nguy cơ khủng hoảng nợ của China Evergrande tràn vào hệ thống tài chính của quốc gia 1,4 tỷ dân.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc không trực tiếp giải quyết những thách thức của China Evergrande. Vào tháng 8, PBoC và các cơ quan quản lý khác đã triệu tập ban lãnh đạo của tập đoàn. Họ thúc giục China Evergrande giải quyết những vấn đề nợ nần và không làm mất ổn định các thị trường nhà đất, tài chính.
Hồi tháng 10, giới chức Trung Quốc kêu gọi các công ty trả nợ, gốc và lãi trái phiếu ở nước ngoài, theo một tuyên bố của chính phủ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu cái tên nào cụ thể.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Trung Quốc cũng yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - bỏ tiền túi để giải quyết khủng hoảng nợ cho tập đoàn.
Trong vài tháng qua, China Evergrande đã 3 lần thoát khỏi cảnh vỡ nợ sau khi kịp thời thanh toán lãi suất trái phiếu trong khoản thời gian ân hạn.
(Theo Zing)
Evergrande đã tránh được cú vỡ nợ vào phút cuối
Tập đoàn Evergrande đã tránh được cú vỡ nợ khi hoàn thành thanh toán khoản lãi trái phiếu trị giá 83,5 tỷ USD trước thời hạn cuối vào ngày mai (23/10).