Dữ liệu hải quan nước này cho thấy, lượng IC nhập khẩu đã giảm 10,8% về số lượng và 15,4% về giá trị so với năm 2022. Trong khi đó, cả năm 2023, Trung Quốc chi 337,5 tỷ USD nhập khẩu dầu thô, giảm 7,7% so với một năm trước đó.
Việc nhập khẩu IC và thiết bị bán dẫn giảm, phản ánh những trở ngại vĩ mô tại nền kinh tế số hai thế giới, đặc biệt là thị trường smartphone và laptop suy yếu. Ngoài ra, nỗ lực thúc đẩy sản xuất bán dẫn trong nước, cũng góp phần làm giảm số lượng chip nhập khẩu.
Do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cứng rắn của Washington, các doanh nghiệp đại lục không thể trực tiếp mua chip tiên tiến, chẳng hạn như bộ xử lý đồ họa H100 và A100 do Nvidia thiết kế. Song, nước này cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc sản xuất bán dẫn nội địa, trong đó có những vi xử lý được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng.
Công ty nghiên cứu vi mạch TrendForce, trụ sở tại Đài Loan cho biết, Trung Quốc hiện có 44 nhà máy sản xuất tấm bán dẫn đang hoạt động và 22 nhà máy khác đang được xây dựng. Đến cuối năm 2024, năng lực sản xuất chip hoàn thiện – được xác định là công nghệ 28 nanomet trở lên – sẽ được mở rộng tại 32 nhà máy.
Theo đó, việc Trung Quốc mở rộng quy mô sản xuất chip trưởng thành là một dấu hiệu đáng lo ngại với Mỹ và EU. Dự báo, nước này có thể chiếm 39% thị phần toàn cầu vào năm 2027, tăng từ 31% của năm 2023 và có cơ hội tăng trưởng hơn nữa nếu việc mua sắm thiết bị diễn ra suôn sẻ.
(Theo SCMP)