Các công ty nước ngoài, gồm Nhật Bản và Mỹ đang kiểm soát phần lớn thị trường thiết bị văn phòng ở Trung Quốc, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự thảo luật trên, thậm chí họ đe doạ sẽ rút hoàn toàn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu quy định được thông qua.
Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới và các cuộc gặp song phương.
Một số nhà quan sát nhận định Bắc Kinh có thể phải “nhượng bộ” các công ty sản xuất thiết bị văn phòng nước ngoài trong bối cảnh họ muốn thúc đẩy nền kinh tế trì trệ.
Tháng 4/2022, cơ quan chức năng tại Trung Quốc tiến hành nghiên cứu sửa đổi bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia, trong đó xác định công nghệ sản phẩm và quy trình mua sắm linh kiện cho từng ngành.
Bản dự thảo ban đầu về tiêu chuẩn chung bao gồm một yêu cầu mới bắt buộc các thành phần chính, như chất bán dẫn và những mặt hàng liên quan đến laser, phải được thiết kế, phát triển và sản xuất tại Trung Quốc.
Các nguồn tin của tờ Nikkei cho biết, nhóm làm việc Uỷ ban kỹ thuật tiêu chuẩn hoá an ninh thông tin quốc gia Trung Quốc (TC260) đã xoá nội dung đề xuất trên trước khi công bố dự thảo lấy ý kiến công khai.
Thị trường máy in đa chức năng của Trung Quốc ước tính khoảng 700.000 chiếc mỗi năm, lớn hơn 40% so với thị trường Nhật Bản.
Các nhà sản xuất nước ngoài kiểm soát hầu hết thị trường Trung Quốc nhờ công nghệ quang học phức tạp, có thể kể đến như Konica Minolta, Toshiba của Nhật Bản, HP của Mỹ.
Các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài thường lắp ráp sản phẩm của họ tại địa phương để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc phát triển và thiết kế các thành phần cốt lõi được xử lý bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như ở Nhật Bản trong bối cảnh lo ngại về “chảy máu” chất xám công nghệ ngày càng gia tăng.
Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ phản đối mạnh mẽ các quy tắc dự thảo, do họ buộc phải chịu áp lực chuyển giao những công nghệ lõi - điều tạo nên sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Nhu cầu vực dậy nền kinh tế
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau khi chính sách “Zero-Covid” được gỡ bỏ vào tháng 1/2023, song đà tăng trưởng bắt đầu chững lại khi lĩnh vực bất động sản tại đây sa sút kể từ đầu năm. Do đó, đầu tư nước ngoài được coi là công cụ cần thiết để phục hồi kinh tế.
“Tại thời điểm này, những mặt hàng mà chúng tôi lo ngại nhất đã bị loại bỏ khỏi dự thảo”, một lãnh đạo công ty nước ngoài cho biết. "Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng chúng không được đưa vào bản thảo cuối cùng".
Mặc dù lập trường của Trung Quốc có thể được coi là một dấu hiệu của sự thỏa hiệp, nhưng nước này dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc cắt giảm mua sắm thiết bị văn phòng từ các công ty nước ngoài. Đến nay, Bắc Kinh đã tạo ra một danh sách các công ty và sản phẩm được khuyến nghị thay thế.
Năm 2015, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp "Made in China 2025" nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Năm 2018, nước này cũng bắt đầu xây dựng "Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035", một chiến lược dài hạn cho các tiêu chuẩn công nghệ.
Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ sớm đưa Dự thảo luật ra công chúng để lấy ý kiến đóng góp, trước khi triển khai có hiệu lực vào nửa đầu năm 2024.
(Theo Nikkei Asia)