Trung Quốc đã tung ra dịch vụ Internet thế hệ tiếp theo đầu tiên trên thế giới - nhanh hơn 10 lần so với các hệ thống phổ thông hiện có và sớm hơn 2 năm so với dự báo.
Được gọi là “mạng lõi” (Backbone network), thế hệ Internet mới ở Trung Quốc có thể truyền dữ liệu với tốc độ 1,2 terabit (1.200 gigabit) mỗi giây giữa Bắc Kinh ở phía Bắc, Vũ Hán ở miền Trung và Quảng Châu ở phía Nam Trung Quốc.
Hệ thống bao gồm hơn 3.000 km cáp quang, được kích hoạt vào tháng 7/2023 và chính thức ra mắt ngày 13/11/2023 sau khi vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm vận hành.
Thành tựu này là kết quả hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa, China Mobile, Huawei Technologies và Cernet Corporation. Kết quả này cũng đã bác bỏ dự đoán của chuyên gia rằng mạng tốc độ cực cao, với tốc độ trên 1 terabit/giây sẽ không xuất hiện trước năm 2025.
Hầu hết các mạng Internet trên thế giới hiện đang hoạt động ở tốc độ dưới 100 gigabit/giây. Ngay cả Mỹ cũng chỉ mới hoàn thành quá trình chuyển đổi sang thế hệ Internet thứ 5, với tốc độ 400 gigabit/giây.
“Mạng lõi” kết nối Bắc Kinh-Vũ Hán-Quảng Châu là một phần của Cơ sở hạ tầng công nghệ Internet tương lai của Trung Quốc (FITI), một dự án đã được phát triển trong 10 năm qua và là sản phẩm mới nhất của mạng lưới nghiên cứu và giáo dục quốc gia Trung Quốc (Cernet).
Wu Jianping - Trưởng dự án FITI, thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết “mạng lõi” không chỉ vận hành thành công, mà còn cung cấp cho Trung Quốc “công nghệ tiên tiến để tạo ra hệ thống Internet nhanh hơn nữa”.
Ngày 13/11, Phó Chủ tịch Huawei Technologies, Wang Lei, cho biết trong một cuộc họp báo tại Đại học Thanh Hoa rằng mạng này “có khả năng truyền dữ liệu tương đương với 150 bộ phim độ phân giải cao chỉ trong một giây”.
“Mạng lõi” được so sánh với đường ray xe lửa siêu tốc, có khả năng thay thế 10 đường ray thông thường trước đây, để truyền tải cùng một lượng dữ liệu, làm giảm đáng kể chi phí và dễ quản lý.
(theo Newstral)