Tại cuộc gặp song phương dự kiến diễn ra vào ngày 15/11/2023, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 30 ở San Francisco (Mỹ), lãnh đạo hai nước nhiều khả năng sẽ ra tuyên bố về mối nguy hiểm tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo (AI), bày tỏ lo ngại việc sử dụng không kiểm soát công nghệ này dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự.
Thỏa thuận cấm ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự có thể sẽ bao hàm mảng vũ khí tự động, máy bay không người lái, các hệ thống điều khiển và triển khai đầu đạn hạt nhân.
Tháng 2/2023, Mỹ đã đưa ra Tuyên bố chính sách về sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm cho quân đội. Đây là một khuôn khổ pháp lý và ngoại giao mới nhằm xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về việc phát triển và sử dụng AI quân sự. Đến nay, sáng kiến này đã được 36 quốc gia ủng hộ.
Chính quyền Tổng thống J.Biden cũng vừa công bố các quy định mới về việc phê duyệt các sản phẩm AI tiên tiến, trong đó yêu cầu các dự án phải được chính phủ liên bang chứng nhận, cấm sử dụng chúng để tạo ra vũ khí sinh học hoặc hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong việc phát triển hệ thống quân sự tự động có tiềm năng ứng dụng các công nghệ AI tiên tiến.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc được cho là đã tìm cách cải thiện hệ thống vũ khí tự động thông qua việc tích hợp các công nghệ AI tiên tiến trong nhiều năm.
Các chuyên gia quân sự hoan nghênh việc đưa vấn đề cấm AI trong lĩnh vực quân sự vào chương trình nghị sự song phương cấp cao Mỹ-Trung, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo lưu "yếu tố con người" trong các hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các cuộc đàm phán hiện tại khó có thể giải quyết các vấn đề kiểm soát vũ khí, do Trung Quốc rất nhạy cảm với chủ đề này.
Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục đối thoại quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dù chưa thể giải quyết được mọi khác biệt trong lĩnh vực quân sự.
Liên quan đến cuộc gặp song phương cấp cao sắp tới, Mỹ và Trung Quốc cũng được cho là đã đạt được sự đồng thuận về các vấn đề ít gây tranh cãi hơn, bao gồm việc tăng số lượng chuyến bay hằng ngày giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như thắt chặt kiểm soát các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc liên quan đến việc sản xuất tiền chất gây nghiện fentanyl.
(theo Securitylab)