Applied Materials, Lam Research và KLA, các công ty sản xuất thiết bị đúc chip, chiếm 35% thị phần toàn cầu, đã bắt đầu chuyển nhân viên không phải người Trung Quốc sang làm việc tại Singapore và Malaysia kể từ tháng 10 năm ngoái, một phần trong kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất tại khu vực Đông Nam Á.
Giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp hệ thống phụ của Lam Research và KLA cho biết, xu hướng này đã nổi lên vào cuối năm ngoái. “Khách hàng đã yêu cầu hỗ trợ cho các nhà máy của họ ở Đông Nam Á trong vài tháng trở lại đây. Chúng tôi cũng nhận thấy họ đã tăng thêm nhân sự ở đó”.
Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp giới hạn xuất khẩu nhằm ngăn chặn triệt để việc Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip tiên tiến từ cuối năm ngoái. Tháng trước, nước này tiếp tục thuyết phục thành công Nhật Bản và Hà Lan, 2 nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy đúc, tham gia liên minh cấm vận của mình.
Từ đó đến nay, lĩnh vực bán dẫn của Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện máy móc cũng như kỹ sư từ các công ty phương Tây đang đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất chip của TSMC (Đài Loan) hay SMIC (Trung Quốc).
Chuyển dịch là “bước đi tự nhiên”
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là động lực tăng trưởng cho ngành sản xuất thiết bị đúc, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2021 khi nước này đặt mục tiêu tự chủ lĩnh vực bán dẫn, theo đánh giá của hiệp hội ngành SEMI.
Trung Quốc từng chiếm gần 30% doanh thu cho các nhà sản xuất máy móc đúc chip, nhưng con số này đã giảm xuống 20% đối với Applied Materials, 24% với Lam Research và 23% với KLA trong kết quả kinh doanh quý gần nhất.
Trước tình hình doanh thu tụt dốc, các công ty buộc phải có sự chuyển dịch mang tính chiến lược. Cuối tháng trước, Lam Research cho biết, sẽ cắt giảm 7% nhân sự toàn cầu, tương đương 1.300 vị trí chính thức và khoảng 700 nhân sự tạm thời. Nhiều nhân viên tạm thời của họ ở Đài Loan, một trong những thị trường chính của công ty, đã nhận được thông báo dừng gia hạn hợp đồng sau Tết Nguyên đán.
Việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang Đông Nam Á là “bước đi tự nhiên” khi các công ty đều đã hiện diện tại khu vực. Trong quá khứ, khi lĩnh vực chip Mỹ bắt đầu chuyển dịch sản xuất sang châu Á những năm 1960 để giảm thiểu chi phí, các nước Đông Nam Á Singapore và Malaysia cũng là những sự lựa chọn đầu tiên.
“Do tình hình kinh tế vĩ mô, các lệnh cấm vận thương mại khiến công ty gặp khó khăn trong việc làm ăn tại Trung Quốc, cũng như nhu cầu toàn cầu sụt giảm, công ty đang tiến hành các biện pháp để quản lý chi phí”, Lam Research cho biết.
Hiện nay, các nhà sản xuất chip như Intel, GlobalFoundries và United Microselectronics đều có chi nhánh tại Đông Nam Á và có kế hoạch mở rộng trong tương lai. Tháng 12 năm ngoái, Applied Materials ra mắt kế hoạch “Singapore 2030” thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu và phát triển tại quốc đảo này.
Triển vọng dài hạn
“Chúng tôi đang tăng cường xuất hiện tại Đông Nam Á trong tình hình địa chính trị hiện tại, nhưng câu hỏi mà mọi người trong ngành đang băn khoăn là: Đâu sẽ là động lực tăng trưởng nếu Trung Quốc bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chơi?”, lãnh đạo cấp cao của KLA cho hay.
Một lãnh đạo của công ty sản xuất thiết bị đúc chip Nhật Bản nhận định về dài hạn, nhu cầu chip sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và sự gia tăng về số lượng các công ty nội địa Trung Quốc. “Rõ ràng, họ (Trung Quốc) sẽ phải đặt cược vào các công ty nội địa”.
Trong khi đó, Lucy Chen, Phó Chủ tịch Isaiah Research cho biết, làn sóng cắt giảm nhân sự và chuyển dịch nhân viên khỏi Trung Quốc của các công ty Mỹ đạt đỉnh vào tháng 12. Các lệnh cấm vận này sẽ khiến sự phát triển của bán dẫn Đại lục tụt lại trong vòng 3-5 năm tới, nhưng về dài hạn, “Bắc Kinh sẽ tìm ra cách tự chủ về công nghệ”.
Bên kia “chiến tuyến”, gã khổng lồ bán dẫn Trung Quốc SMIC nhận định căng thẳng địa chính trị và nhu cầu yếu đang đẩy lĩnh vực chip toàn cầu vào tình trạng “nghiêm trọng chưa từng có”.
Doanh nghiệp bán dẫn này cũng cho biết, nhà máy mới của họ tại Bắc Kinh đã đi vào hoạt động thử nghiệm, nhưng việc sản xuất quy mô lớn sẽ bị tạm dừng 3-6 tháng tới cho tới khi giải quyết được tình trạng thiếu hụt trang thiết bị sản xuất.
Báo cáo doanh thu quý mới nhất của SMIC cho thấy, doanh thu giảm 15%, xuống chỉ còn 1,62 tỷ USD so với cùng kỳ, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống còn 32% so với 38,9% quý trước đó. Thu nhập ròng của công ty cũng giảm 18,1%, xuống còn 383,53 triệu USD.
Thế Vinh
Mỹ tiếp tục làm khó bán dẫn Trung Quốc
Nhật Bản, Hà Lan đạt đồng thuận cấm vận bán dẫn Trung Quốc
Intel kiên định sứ mệnh đưa công nghiệp bán dẫn về nhà