LTS: Bất ngờ nhận được món tiền quá lớn, đa phần người trúng số độc đắc không biết cách tiêu xài dẫn đến “của thiên trả địa”. Nhiều trường hợp sau khi trúng số còn khổ hơn trước đó.
Dựa theo những sự kiện có thật, vô số câu chuyện về hậu vận của những người trúng số độc đắc được thêu dệt với nhiều biến tướng khác nhau.
Để hiểu rõ hơn, VietNamNet giới thiệu tuyến bài Hậu vận người trúng số độc đắc như một lát cắt giúp bạn đọc hiểu hơn về chuyện đời của người trong cuộc.
Kỳ 1: Trúng số hơn 5 tỷ đồng, ‘chú Mười’ hào sảng chi tiền giúp người thân
Lộc trời năm 15 tuổi
Căn nhà nhỏ của ông Đỗ Hoàng Toàn (SN 1955) nằm trong con hẻm trên đường Bàu Bàng, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Trước nhà, ông Toàn trồng vài bụi hoa nhỏ, đặt thêm một bao cát, mấy trụ sắt để tập thể dục. Những năm gần đây, ông bỗng dưng nổi tiếng khi can đảm chia sẻ lại câu chuyện quay về nẻo thiện của mình.
Người đàn ông ốm yếu, tật nguyền được biết đến với khả năng trồng cây chuối, hít đất bằng 2 ngón tay… Ông tìm cách luyện tập thể thao để mọi người có cái nhìn khác về mình, dần khỏa lấp hình ảnh nghiện ngập trong quá khứ.
“Hơn 40 năm trước, khi biết tôi quyết tâm cai nghiện, nhiều người dè bỉu: “Nó mà bỏ được ma túy, tôi đi bằng đầu”. Câu nói ấy ám ảnh và cũng tạo động lực để tôi cố gắng thoát khỏi cái bóng sa ngã thời trẻ”, ông Toàn tâm sự.
Ngẫm lại câu chuyện trúng số độc đắc năm 15 tuổi, ông Toàn nhận định bản thân hư hỏng một phần là do có quá nhiều tiền.
Ông còn nhớ rõ, lần thứ nhất ông trúng số được khoảng hơn 3 triệu đồng. Số tiền này bao gồm 1 tờ trúng giải độc đắc và 2 tờ trúng giải an ủi.
Lúc đó, bố của ông Toàn bán vé số. Mỗi ngày, ông Toàn có thói quen mua lại của bố vài tờ để thử vận may. Không ngờ, vào ngày rằm Trung thu năm 1970, lộc trời bất ngờ tìm đến, thay đổi cuộc đời của cậu bé tuổi 15.
Chưa đủ tuổi nhận thưởng, ông Toàn nhờ bố mẹ nhận thay và giữ hộ tiền trúng giải. Dù đưa tiền cho bố mẹ quản lý nhưng mỗi khi cần, ông Toàn muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Bố mẹ ông không có ý định ngăn cản.
Cũng trong năm 1970, ông Toàn trúng số độc đắc thêm một lần nữa. Lần này, ông trúng được 4 triệu đồng.
Vận may liên tiếp tìm đến, ông Toàn trẻ người non dạ bắt đầu sa đà vào ăn chơi, tụ tập theo bạn xấu. “Cha mẹ tôi có đến 9 người con nên không dành tình cảm riêng cho cá nhân nào. Ông bà chỉ biết đi làm kiếm tiền lo ăn lo mặc cho mấy đứa con. Không bị cha mẹ quản thúc, tôi có tiền nên tha hồ muốn chơi gì thì chơi”, ông Toàn kể.
Ban đầu, theo lời rủ rê của bạn xấu, ông Toàn uống thuốc kích thích, một loại thuốc giống ma túy đá hiện nay. Dân chơi thường uống loại thuốc này mỗi khi hỗn chiến. Từ chỗ chỉ uống thuốc, ông Toàn chuyển qua hít heroin rồi chích ma túy bằng kim tiêm.
Làm lại từ đầu
Năm 1972, ông Toàn nghiện ma túy. Nhưng chỉ một năm sau, ông cưới vợ ở tuổi 18. Chạy theo thú chơi sa đọa, tiền núi cũng không thể giữ, ông Toàn rơi vào túng quẫn.
Mặc kệ vợ con, ông Toàn theo bạn bè trộm xe đạp, lấy đồ nhà đi bán để mua ma túy. Một lần đi trộm, nhóm của ông bị công an bắt và tạm giam ở trụ sở công an xã.
Ngay trong đêm đó, khi cơn nghiện tìm đến, ông vật vã. Trong cơn thèm thuốc, ông bàn với bạn tù phá song sắt trốn ra ngoài.
Vừa thoát ra ngoài, ông bị lực lượng công an phát hiện và rượt đuổi, bắn vào tay trái. Sau đó, ông được đưa vào bệnh viện chữa trị nhưng không cứu được cánh tay trúng đạn. Không chỉ mất cánh tay trái, ông Toàn sụp đổ hoàn toàn khi biết vợ ôm con bỏ đi.
Trải qua bao biến cố, ông Toàn không nhận ra sai lầm mà càng lún sâu vào ma túy. Ông nói: “Không còn vợ con, tôi sống bất cần đời, có chết cũng đâu sao. Tôi không làm gì cả, chỉ biết trộm cắp để có tiền mua ma túy, thỏa mãn cơn nghiện.
Đến giờ ngẫm lại, tôi thấy nghiện ma túy thực sự rất tệ hại, không làm ra tiền của mà còn phá hoại sức khỏe”.
Sau 10 năm chìm nổi trong khói trắng, bỗng một ngày ông Toàn thức tỉnh. Đó là hôm đó ông lặng người, đứng một góc quan sát đám tang của một người bạn nghiện.
Người này bị sốc ma túy dẫn đến tử vong. Đám ma vắng hoe, không có người đến viếng. Bạn nghiện cũng không thèm đến thắp nhang.
Ông bất chợt nghĩ đến một ngày không xa mình nằm trong quan tài nhưng thiếu hơi ấm nhang khói, tình người. Lúc ấy, nước mắt đã chảy dài trên gò má hốc hác của kẻ nghiện lâu năm. Từ đó, ông quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời.
Hết nghiện, ông Toàn làm thuê đủ nghề để mưu sinh. Năm 1980, ông mua một chiếc xe ba gác để chở bàn ghế, rạp thuê cho một người phụ nữ trong xóm.
Sau nhiều năm lẻ bóng, ông tìm được người bạn đời phù hợp. Cả hai xây dựng mái ấm bình dị.
Hiện tại, ông Toàn vẫn mua vé số, mong cầu tài lộc lại tìm đến như thời trẻ. Thế nhưng, cách mua vé số của ông thay đổi nhiều. Ông không dốc tiền mua thật nhiều mà chỉ lựa chọn những ngày tốt trong năm để thử vận may.
Ông Toàn chia sẻ: “Cái gì muốn đến thì đến, không phải mình muốn là được. Nếu được trúng số lần nữa, tôi sẽ sử dụng tiền đúng mục đích hơn. Sau khi lo cho vợ con, tôi muốn làm từ thiện, đóng góp một chút vật chất cho cộng đồng.
Mấy năm nay, tôi ăn chay niệm Phật và làm từ thiện trong khả năng. Năm nào, tôi cũng ép nước mía tặng miễn phí cho khách tham quan chùa vào Rằm tháng Giêng”.
(Còn nữa)
Kỳ 3: Những câu chuyện buồn ở nơi được mệnh danh ‘làng trúng số độc đắc’