"Liên quan vụ Việt Á, hồi đầu tháng 6, Bộ Công an cho biết, Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ để bôi trơn. Nhưng trong kết luận điều tra đã ban hành, Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Xin Bộ Công an giải thích rõ hơn về sự chênh lệch của những con số này?", báo chí đặt câu hỏi.
Trả lời, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, về số liệu chênh lệch, sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can liên quan đã khai, công ty Việt Á có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng. Phan Quốc Việt dành khoảng 20-25%, tương ứng khoảng 800 tỷ đồng để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, đối tác mua kit xét nghiệm và vật tư, thiết bị y tế khác.
Theo người phát ngôn Bộ Công an, đây là lời khai ban đầu của lãnh đạo Việt Á mà cơ quan điều tra và người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp cho phóng viên. Nhưng sau khi có kết luận điều tra ban hành ngày 17/8, có con số chênh lệch.
"Tôi xin giải thích, ta không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để đưa vào kết luận điều tra vì trọng chứng hơn trọng lời khai", Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Ông cũng giải thích thêm, chỉ khi nào đủ căn cứ chứng minh việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu thì mới có thể khởi tố điều tra, đề nghị truy tố.
"Chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó", người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh và cho biết, ngoài việc C03 tiến hành điều tra, Bộ Công an đã phân công, ủy thác điều tra cho 61 công an tỉnh, thành phố con số về tiền thu lợi bất chính và tiền bôi trơn trong vụ án này.
Trung tướng Tô Ân Xô dẫn ví vụ, theo thông tin ban đầu, vụ án có 1 tàu chìm ở vùng biển nào đó, ước lượng thiệt hại ban đầu khoảng 50 tỷ, nhưng kết luận điều tra chỉ kết luận thiệt hại 20 tỷ. Vì cứu nạn cứu hộ tốt, xử lý hàng hóa trên tàu nhanh chóng hoặc lời khai chủ tàu về lượng hàng hóa khác nhau.
Hay như xảy ra cháy tại một quán karaoke, ban đầu thông tin thiệt hại 10 tỷ và 3 người chết, nhưng kết luận điều tra sau đó công bố 5 người chết và thiệt hại 20 tỷ. Đó là do qua quá trình điều tra mới ra như vậy, 2 nạn nhân sau chết tại bệnh viện.
Cho nên, theo ông Xô, con số chênh lệch trong vụ án Việt Á cũng tương tự như thế.
Trước đó, ngày 17/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 38 bị can. Trong đó, 6 người bị cáo buộc Nhận hối lộ gồm: ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cả 6 người đều bị đổi sang tội danh có khung hình phạt nặng hơn so với tội bị khởi tố ban đầu.
Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á và cấp phó Vũ Đình Hiệp đối mặt cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Bà Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.
Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
C03 đề nghị VKSND Tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh khởi tố từ tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang Nhận hối lộ đối với cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng.