Việc đóng cửa ký túc xá Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (quận 5, TPHCM) đã đẩy hàng chục gia đình cựu cán bộ, giảng viên rơi vào cảnh chưa biết đi đâu về đâu.
Toà nhà ký túc xá của Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (gọi tắt là ký túc xá Cao Thắng) được xây dựng từ những năm 1960, nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Mới đây, theo thông báo của nhà trường, ký túc xá Cao Thắng chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7. Việc này khiến hàng chục gia đình cán bộ, giảng viên, nhân viên hưu trí của trường đang sinh sống tại đây rơi vào cảnh không nhà, chưa biết đi đâu về đâu.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội định kỳ chiều 4/7, Chánh văn phòng UBND quận 5 - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết đến thời điểm này, quận không nhận được văn bản thông báo nào của trường Cao Thắng về việc di dời.
Theo UBND quận 5, toà nhà ký túc xá được UBND TP giao cho Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng từ tháng 2/1977. Trường trực thuộc Bộ Công Thương quản lý, do đó, việc xử lý và sắp xếp khu ký túc xá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Ký túc xá Cao Thắng nằm trên khu đất 513m2, quy mô xây dựng 11 tầng, chủ yếu là nơi sinh sống của cán bộ, công nhân viên, giảng viên. Sau thông báo chấm dứt hoạt động từ phía nhà trường, hiện còn 22 hộ gia đình vẫn ở lại.
Ông Đỗ Thọ Bình (cán bộ hưu trí từng công tác hơn 37 năm tại trường) rất lo lắng khi nhận thông báo phải chuyển đi. Người đàn ông 68 tuổi chia sẻ: "Chúng tôi là những cán bộ, giáo viên đã cống hiến cả tuổi trẻ để xây dựng nhà trường, ngay từ những năm đầu thống nhất đất nước. Dù hiện nay có lương hưu, nhưng chúng tôi không đủ tài chính để mua nhà tái định cư hay nhà ở xã hội".
Giống như ông Bình, những hộ gia đình còn lại đều mong muốn các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ để họ có được một nơi cư ngụ khi phải di dời khỏi chỗ ở hiện tại.
Trước đó, năm 2022, công trình này được kiểm định an toàn chịu lực, sử dụng và có kết quả thuộc cấp B. Cá biệt, có cấu kiện ở trong trạng thái nguy hiểm nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Công trình được kết luận là đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường.
Đồng thời, tại cuộc họp về giải quyết kiến nghị của Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng liên quan đến đất xây dựng cơ sở 2 và ký túc xá tại khu đại học tập trung (xã Long Thới, huyện Nhà Bè), UBND TPHCM đã chỉ đạo giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND quận 5... rà soát nguồn gốc pháp lý khu đất. Từ đó, các sở, ngành tham mưu UBND thành phố phương án di dời, bàn giao mặt bằng cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, khu ký túc xá này ngày một xuống cấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Cả toà nhà chỉ có một lối ra vào duy nhất và cũng là lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Cầu thang bộ - lối lên xuống độc đạo của tòa nhà - chỉ rộng 1,45m.
Theo ghi nhận, vì đã xây dựng khá lâu nên nhiều hạng mục như tường, trần xuất hiện nhiều vết nứt rạn, bong tróc. Hai bên hành lang nhỏ phải bật điện cả ngày, nếu không sẽ rất tối.
Tòa nhà không có hệ thống báo cháy tự động. Chỉ có một vài thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình cứu hoả nhỏ được bố trí dọc hành lang.
Năm 2019, nơi đây từng xảy ra 2 vụ cháy. Trên lối đi, trần nhà vẫn còn ám khói đen, là dấu vết của các vụ cháy này.
Một góc hành lang được cư dân tận dụng làm nơi chứa đồ, phơi quần áo...
Cửa thoát hiểm được ông Thọ Bình tự làm phía bên hông tòa nhà, sát với Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Một số căn phòng bên trong ký túc xá đã bỏ không.
Trước việc Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng thông báo chấm dứt hoạt động ký túc xá nhưng không bố trí tái định cư, nhiều gia đình sinh sống tại đây hết sức hoang mang. Họ vẫn đang ở lại, chờ phương án giải quyết từ các bên liên quan.
Toà nhà ký túc xá Cao Thắng án ngữ trước Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bị xuống cấp và đã nhiều lần ảnh hưởng đến an toàn, an ninh bệnh viện.
Ví dụ như năm 2007, tấm đan bê tông từ lầu 5 ký túc xá rơi xuống làm chết một người lái xe ôm đậu phía trước cổng số 2 của bệnh viện trên đường Trần Hưng Đạo.
Năm 2015, đoạn ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 ký túc xá xuyên qua mái tôn xuống phòng mổ của bệnh viện.
Tháng 11/2017, nước thải từ bô rác của ký túc xá chảy sang bệnh viện làm nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu, hành lang chuyển bệnh vào phòng mổ.
Đặc biệt, chỉ trong tháng 7/2019, ký túc xá này bị cháy 2 lần khiến bệnh viện phải sơ tán khẩn cấp bác sĩ và bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Có bệnh nhân vừa phẫu thuật cột sống được buộc chặt vào giường, 6-7 nhân viên y tế khiêng từ lầu 3 xuống.
Ngay sau đó, tháng 8/2019, Sở Y tế có tờ trình gửi UBND TPHCM, kiến nghị tháo dỡ ngay tòa nhà ký túc xá. Sở nhận định, tòa nhà này đã xuống cấp và gây nhiều sự cố lớn, có nguy cơ đe dọa tính mạng, sức khỏe đối với bệnh nhân, thân nhân và y bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Đặc biệt, nếu sự cố xảy ra vào ban đêm, hậu quả sẽ vô cùng lớn bởi đặc thù người bệnh tại đây là bệnh chấn thương, di chuyển rất khó khăn…