Trong hai ngày 24 và 25/9, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo “Thay đổi Vì một trường học Hạnh phúc” có chủ đề “Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc”, với sự tham gia của 400 Hiệu trưởng các trường đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc. Hội thảo do VTV7 và Cục nhà giáo (Bộ GD-ĐT) tổ chức.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục Việt Nam vừa bắt đầu năm học mới 2022-2023, với nỗ lực tái thiết trường học sau 2 năm trải qua đại dịch Covid-19.
Trường học hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức
Tại hội thảo, GS Peck Cho (Đại học Korea - Hàn Quốc) - Cố vấn giáo dục của chính phủ Hàn Quốc - bày tỏ sự đồng cảm với các Hiệu trưởng trong hành trình kiến tạo những ngôi trường hạnh phúc.
"Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc có lịch sử và văn hoá khác biệt nhưng lại có rất nhiều điểm chung, đặc biệt là việc dành sự tôn trọng đặc biệt cho giáo dục" - GS Peck Cho chia sẻ.
Tuy nhiên, GS Peck Cho cũng chỉ ra đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều thứ: "Chưa bao giờ chúng ta có sự gián đoạn trong giáo dục như vừa qua - khi lần đầu tiên trong lịch sử có quá nhiều trường học phải đóng cửa. Trạng thái cũ đã lộ ra những điểm yếu, đó là những thứ chúng ta đang dạy không tốt và thứ hai là cách đang dạy không tốt".
Theo GS Peck Cho, nhiều học sinh đang được chăm sóc quá kỹ dẫn đến phụ thuộc. Và khi các em lớn lên sẽ trở nên kiêu ngạo, ích kỷ và chỉ yêu bản thân mình. Điều này các em cần phải thay đổi, đó chính là ý thức về công dân, cần có lòng thương, cần sự sẵn sàng cống hiến cho xã hội các em đang sống…
"Vì thế, đây là thời điểm tất cả mọi nơi trên thế giới đều cải cách giáo dục. Thời điểm có rất nhiều quốc gia sẵn sàng chuyển dịch giáo dục và Việt Nam cũng đang làm" - GS Peck Cho nhấn mạnh.
“Vạch đích đã thay đổi rất khác rồi, nếu các bạn cố gắng làm đường hướng cũ thì càng lùi sau nước đã phát triển, nhưng nếu các bạn rẽ đầu tiên thì sẽ đứng trước, đó là cơ hội các bạn. Chúng ta không thể dừng lại những điều chúng ta đã làm mà phải thay đổi, bắt đầu bằng giáo dục..”.
Giáo sư Peck Cho chỉ ra một trong những điều quan trọng đó là thầy cô cần dạy học sinh cách cư xử. Đó không chỉ là cách cư xử bình thường mà còn là cách cư xử sau này.
“Điều chúng ta nên làm đó chính là hướng dẫn cảm xúc, mong muốn học sinh cư xử tốt, chuyên nghiệp. Trước khi làm điều đó, phải tác động, kết nối về mặt cảm xúc, trái tim với trái tim…”, ông nói.
GS Hà Vĩnh Thọ - người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc và An Lạc - thì khẳng định rằng hành trình xây dựng lại niềm hạnh phúc của người giáo viên trong việc giảng dạy sẽ không dễ dàng, thậm chí có rất nhiều rào cản xung quanh.
Theo ông, mối nguy hiểm đã hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội... Do đó, trường học hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức.
Giáo viên là người gieo mầm hạnh phúc
Theo GS Hà Vĩnh Thọ, mỗi người có cách cảm nhận riêng về hạnh phúc. Cốt lõi của trường học hạnh phúc đó là quan tâm bản thân, quan tâm người khác, quan tâm đến môi trường. Và “giáo viên hãy là người làm vườn, người gieo mầm hạnh phúc cho học sinh”.
Trong khi đó, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) - nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người hiệu trường trong việc tạo dựng nên những ngôi trường hạnh phúc.
“Hiệu trưởng là người sẽ là tạo ra ngôi trường ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Cả nước hiện có gần 30 nghìn hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800 nghìn giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh.
Cứ như thế, điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội” - ông Đức nói.