“Trong những năm qua, Ban Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đặc biệt chú ý đến việc truyền thông chính sách, một mặt là báo thực hiện nghiêm túc về tôn chỉ mục đích, nhưng một mặt cũng là để tạo thêm nguồn thu”, ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt cho biết.
Báo Nông thôn Ngày nay là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, có nhiệm vụ là thực hiện việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các cấp Hội Nông dân, các nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân đến các cấp Hội; Phản biện chính sách và giám sát xã hội theo chức năng mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được giao…
Hiện Báo Nông thôn Ngày nay có một hệ sinh thái đa nền tảng, gồm: Báo giấy Nông thôn Ngày nay (xuất bản 4 kỳ/tuần); Báo điện tử Dân Việt; ấn phẩm giấy Trang trại Việt; cùng 4 chuyên trang điện tử: ETime, Trang trại Việt online, TV Dân Việt, Thế giới tiếp thị online.
Báo Nông thôn Ngày nay cũng đã mở các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về: Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Công tác Hội; Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, Giải báo chí toàn quốc viết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Giảm nghèo bền vững; Dân tộc - Tôn giáo; Dân tộc - Miền núi, Tâm hồn làng Việt... với khoảng 10.000 tin, bài được sản xuất, xuất bản mỗi năm.
Ước tính mỗi ngày, Báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt xuất bản từ 250-300 tin bài trên các ấn phẩm, trong đó 80% các tin bài là truyền thông về các chính sách của Đảng, Nhà nước; các tin bài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tin bài về hoạt động Hội Nông dân các cấp; các phong trào thi đua của Hội Nông dân Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông chính sách của Báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Là đơn vị sự nghiệp công thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thế nhưng đến nay, Báo Nông thôn Ngày nay vẫn chưa được thực hiện nhiệm vụ đặt hàng về thông tin, truyền thông về các nhiệm vụ, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam.
Hoạt động dưới cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn song hàng năm Báo Nông thôn ngày nay chỉ được cấp một phần kinh phí nhiệm vụ đặt hàng rất nhỏ: Năm 2022 là 1% và đến năm 2023 mới nâng lên được 6% tổng nguồn thu của tờ báo.
Hiện nay, các nhiệm vụ đặt hàng thông tin, truyền thông mà Báo Nông thôn Ngày nay nhận được gián tiếp đến từ 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia lớn là: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại một hội nghị về truyền thông chính sách diễn ra mới đây, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã nêu 3 kiến nghị: Chính phủ, các bộ/ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho việc đặt hàng truyền thông chính sách; Tạo nguồn kinh phí để các bộ, ngành, địa phương đặt hàng báo chí truyền thông chính sách nói chung, cụ thể hơn là bố trí trí kinh phí để Hội Nông dân Việt Nam đặt hàng truyền thông chính sách với Báo Nông thôn ngày nay; Hướng dẫn cụ thể việc xây dựng đơn giá định mức kỹ thuật, một việc mà các báo đang rất lúng túng.
“Truyền thông chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân chính là để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam; góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, thực hiện theo nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Đây cũng là cách để báo thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, xây dựng thương hiệu, và khẳng định vị thế trong việc tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đạt được mục tiêu chiến lược mà Đảng ủy, Ban Biên tập đề ra: Trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng số 1 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện tốt việc này là cách để báo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của mình, cũng là cách để góp phần giúp báo vượt qua những khó khăn trong bối cảnh kinh tế báo chí đang ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”, Tổng Biên tập Lưu Quang Định bày tỏ.