Nhiều người làm báo chọn viết sách như trải nghiệm mới để thử thách bản thân hay tham gia một “trò chơi” của ngôn từ, thông tin, các dữ liệu, sự kiện thu thập được dọc đường tác nghiệp và cả những nhân vật thú vị mà họ có cơ hội gặp gỡ. Không thể phủ nhận những cuốn sách từ các nhà báo góp phần làm đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam, mang đến cho độc giả nhiều trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống, bút lực dồi dào, thể loại phong phú và những thông điệp được hệ thống bài bản. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu một số nhà báo đã ghi dấu ấn với các cuốn sách của mình.
Trong vai trò nhà báo, TS Nguyễn Thị Bích Yến đã gặp gỡ nhiều nhân vật đặc biệt, từ các nguyên thủ, nhà vua cho đến những người có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Chị tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, đúc kết những câu chuyện và tư tưởng của họ, chị viết cuốn sách Những mảnh ghép quân vương II.
Tác giả khéo léo kết hợp kỹ năng tác nghiệp báo chí với viết sách, xác định chủ đề trước rồi chuyển hóa các bài báo thành tác phẩm, thể hiện năng lượng và đam mê vượt qua mọi khó khăn. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Bích Yến.
- Chị có thể chia sẻ về cảm hứng và quá trình sáng tác cuốn sách "Những mảnh ghép quân vương II"?
Trong quá trình tác nghiệp, nghiên cứu báo chí và tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, tôi được gặp nhiều nguyên thủ, nhà vua và các nhân vật có tầm ảnh hưởng… Mỗi người có một thế mạnh đặc biệt để làm nên sự thành công, góp sức cho đất nước, dân tộc. Đó là nguồn cảm hứng đặc biệt để tôi tiếp tục cho ra đời cuốn sách Những mảnh ghép quân vương II.
Một phần tôi muốn viết do công chúng mến mộ, thúc giục sau khi đón đọc Những mảnh ghép quân vương I (ra mắt 2019), phần quan trọng nữa là khi tác nghiệp trực tiếp với các nguyên thủ, tôi nhận thấy sự bế tắc, bất lực của họ trước những cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ đang diễn ra. Thông điệp sâu sắc nhất cuốn sách là gìn giữ tình hữu nghị giữa các quốc gia, vì nền hoà bình chung trên toàn cầu.
Đặc biệt, năm nay kỷ niệm 405 năm ngày mất của ông bà tổ dòng tộc nhà chúng tôi là Vương phi Nguyễn Ngọc Nương và Vua Lê Kính Tông nên tôi cũng muốn ghi một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp cầm bút của mình.
Trong quá trình sáng tác, tôi viết theo chủ đề nhất quán từ đầu đến cuối. Bản thân cố gắng lĩnh hội các thông tin, ý tưởng, quan điểm, tầm nhìn, khát vọng của nhân vật, từ đó đúc kết được tư tưởng và sứ mệnh của họ, làm chìa khoá cho tác phẩm.
- Với quỹ thời gian eo hẹp, chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc làm báo và viết sách?
Thực ra, những công việc này là hai trong một. Tôi xác định chủ đề cuốn sách trước rồi tác nghiệp báo chí theo đó. Ví dụ, trong hơn một thập kỷ qua tôi đã tác nghiệp trong lĩnh vực liên ngành văn hoá, chính trị và khoa học, sau khi các bài được đăng báo, tôi tập hợp lại và in thành sách.
Tuy nhiên, tôi gặp rất nhiều khó khăn để cân bằng trong bốn việc: viết báo/sách, sáng tác văn học, giảng dạy/nghiên cứu khoa học và điều phối dự án văn hoá khoa học dành cho cộng đồng. Sau khi nghiên cứu lý thuyết thì phải thể chế hoá, áp dụng vào thực tiễn để kiểm chứng. Đôi khi nhìn lại tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể làm được việc này, việc kia cùng một lúc như vậy. Thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp thường ngạc nhiên, bảo rằng không hiểu tôi lấy năng lượng ở đâu để có thể hoàn thành những việc lớn đó.
- Chị có thói quen sáng tác vào khoảng thời gian nào trong ngày?
Nhiều năm trước tôi thường thức dậy viết từ 4h sáng, song gần đây, tôi thường thức dậy chính xác lúc 3h36 phút và viết từ đó cho đến 6h giờ sáng.
-Những thử thách lớn nhất mà chị gặp phải trong quá trình tác nghiệp?
Tôi viết sách trên nền tảng làm báo, làm văn - đó là điều thuận lợi khi nắm bắt được tư tưởng của nhân vật trong lúc tác nghiệp. Nhưng thử thách lớn nhất đó là việc góp ý, gợi ý thêm cho nhân vật phát triển tư tưởng đó thành sứ mệnh phụng sự quốc gia và thế giới.
- Theo chị, viết sách song ngữ Anh - Việt đem lại những lợi ích đặc biệt gì khi tiếp cận độc giả nước ngoài?
Tôi thấy rằng viết sách song ngữ có lợi rất nhiều cho việc lan toả thông điệp đến công chúng quốc tế. Ví dụ như đồng nghiệp hay các giáo sư quốc tế của tôi khi đọc những bài phân tích chuyên sâu về Việt Nam (nhân dịp những vị nguyên thủ Việt Nam công du các nước), họ nói rằng càng hiểu hơn sự đóng góp của Việt Nam với thế giới trên mọi lĩnh vực.
- Theo chị, làm thế nào để duy trì động lực và cảm hứng sáng tác?
Với tôi, cảm hứng chủ yếu xuất phát từ nội tại, khi nghĩ về tình yêu thương, về những người thân, tri âm, tri kỷ, những kiều bào xa xứ… Đặc biệt là những phẩm hạnh quân vương có tấm lòng, trí tuệ khiến họ không ngừng khát vọng và khẳng định vị thế của mình.
Cảm hứng đến từ bên ngoài của tôi cũng thật đơn giản, chỉ cần ở một mình, nhìn thấy một cái cây, một bông hoa, nhâm nhi tách trà nóng, lắng nghe bản nhạc không lời, chìm vào không gian tĩnh lặng và hương thơm thoang thoảng là tôi có thể viết được từ ngày này qua ngày khác, trừ một vài lúc nghỉ ngơi ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Tóm lại là cảm hứng và động lực sáng tác của tôi đến từ cả bên trong và bên ngoài, từ tình yêu thương, sự cô đơn và tĩnh lặng.
- Với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực báo chí cùng những trải nghiệm và hiểu biết sâu rộng về đa lĩnh vực, chị có lời khuyên nào cho những nhà báo trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp viết sách không?
Hãy viết bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với lĩnh vực mà mình đã lựa chọn. Yêu thương tất cả mọi người, bao dung mọi sự việc bằng tấm lòng hiền lương. Hãy cố gắng tập luyện vượt lên trên tất cả những tốt xấu của con người rồi điều kỳ diệu sẽ xuất hiện.
- Kỹ năng làm báo giúp ích gì khi viết sách và ngược lại, kỹ năng viết sách có hỗ trợ việc làm báo của chị không?
Viết báo đòi hỏi tư duy cụ thể và logic. Viết sách cần đến tư duy logic và tổng hợp. Hai công việc này tuy hai mà là một. Nếu chúng ta viết nhiều, tư duy nhiều thì không phải phân định, cứ đặt bút xuống là câu chữ sẽ tuôn ra.
Cá nhân tôi nhận thấy người làm báo mà xuất phát từ dân văn thường có nhiều lợi thế. Họ có thể viết sâu, bao quát vấn đề tốt, nhạy cảm với các chủ đề mới, nhanh nắm bắt được tư tưởng của nhân vật, thậm chí có thể gợi ý, tư vấn được cho nhân vật về sứ mệnh đối với cộng đồng.
Nguyễn Thị Bích Yến là Tiến sĩ báo chí học, nhà báo, nhà văn, giảng viên đại học; Chủ tịch ICI International (EU); Hội đồng biên tập, Phó TBT/đại diện Tạp chí World Alliances Journal tại Liên Hợp Quốc - Vienna. Chị là chuyên gia nghiên cứu chiến lược liên ngành báo chí - truyền thông - chính trị và văn hoá tại châu Âu.
TS. Bích Yến còn là cố vấn chiến lược cho một số tổ chức, tờ báo, tập đoàn; thành viên Hội Nữ trí thức Việt Nam; Thành viên Hiệp hội các nhà báo nước ngoài tại Vienna, Áo.
Giải thưởng:
- Giải thưởng văn học Tác giả trẻ toàn quốc (2008)
- Giải thưởng 5 gương mặt được công chúng bình chọn (Báo Lao động Thủ đô, 2008)
- Giải thưởng Nữ trí thức Việt Nam tiêu biểu (2011-2015)
- Giải Nhì cuộc thi ký, phóng sự báo chí nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (2010)
- Wiener Zeitung ghi nhận/vinh danh: Người đóng góp ý tưởng và thực hiện chuyên san ngoại giao quốc tế đặc biệt đầu tiên Dossier 1000 Jahre Hanoi (2010)
Năm 2019, TS Nguyễn Thị Bích Yến giới thiệu Những mảnh ghép Quân vương I gồm 86 bài viết, dựng lên chân dung những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, chính khách, doanh nhân của Việt Nam và thế giới. Tiếp nối thành công, tháng 5/2024, Những mảnh ghép Quân vương II ra mắt được đánh giá là cuốn sách truyền thông điệp gìn giữ tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Ảnh: NVCC
Bài 2: Nhà thơ Lữ Mai: 'Làm báo, viết văn không làm tổn hại chúng ta nếu có đạo đức'