Sang Việt Nam du lịch từ năm 2015, Pim Gilles Felix Pluut ngay lập tức yêu Đà Nẵng – nơi anh đặt chân đến đầu tiên. Đến nay, trừ 2 năm về Bỉ vì dịch Covid-19, Pim đã ở Việt Nam 7 năm và kết hôn với một cô gái người Việt.
Tình yêu của chàng trai người Bỉ với cô gái Hồ Thị Mỹ Quyên, người Đà Nẵng cũng trải qua đủ các cung bậc cảm xúc và thăng trầm để đi tới ngày hôm nay.
Cô giáo ‘cưa’ học trò kém 5 tuổi
Mỹ Quyên (35 tuổi) cho biết, cô chính là cô giáo tiếng Việt đầu tiên của Pim - người kém cô 5 tuổi.
Ngày đó, Pim mới sang Việt Nam, vì yêu Đà Nẵng “ngay từ cái nhìn đầu tiên” nên anh xác định sẽ sống ở Việt Nam lâu dài. Anh nhờ một người bạn người Italia tìm chỗ học tiếng Việt. Người bạn này giới thiệu Pim tới chỗ Quyên.
Ban đầu, Quyên cảm mến anh bạn người Italia trước. Đến khi gặp Pim, cô mới “chuyển đối tượng” vì thấy anh chàng khiêm tốn, rất chừng mực trước phụ nữ và có gương mặt sắc sảo.
Trước đó, Quyên chỉ thích đàn ông hơn tuổi, trong khi Pim kém cô 5 tuổi. “Khi đó tôi chỉ để cho cảm xúc dẫn lối, chứ chưa xác định mối quan hệ lâu dài” – Quyên nói.
“Tôi là người ‘cưa’ anh ấy trước. Nhưng lúc đó, anh ấy đang thích một cô gái khác mà tôi cũng quen. Có lần, anh nhờ tôi đánh tiếng tới cô ấy về tình cảm của anh.
Nhưng tôi thổ lộ luôn ‘em thích anh mà’ và từ chối làm ‘liên lạc viên’”.
Tính Quyên cởi mở và thích trêu đùa nên sau đó, cô vẫn bày tỏ tình cảm của mình với Pim nhiều lần nhưng luôn nhận được lời khước từ.
Sau đó, Quyên chấp nhận việc Pim không thích mình và mở lòng với một anh chàng khác chơi chung trong nhóm. “Khi Pim thấy tôi và anh ấy có ý với nhau, anh mới tỏ ra ‘ghen’ và nhìn lại cảm xúc của bản thân. Không lâu sau, chúng tôi thành một đôi”.
Những lần chia tay không thành
Giống như rất nhiều cặp đôi, nhất là khi tới từ 2 nền văn hóa khác nhau, mối quan hệ của Pim và Quyên vấp phải nhiều khác biệt rất khó để dung hòa.
Những năm đầu tiên chung sống, nhiều mâu thuẫn tưởng chừng như không thể hóa giải. Nhiều lần họ nói lời chia tay, rồi quay lại vì nhận ra vẫn còn thương nhau.
Có một lần, lời chia tay gần như là chắc chắn vì sau đó, Pim quyết định về Bỉ để tránh dịch Covid-19.
“Đó là đầu năm 2020. Mặc dù anh không nói ra nhưng tôi cảm nhận được Pim có sự khác biệt trong mối quan hệ. Tôi là người đề cập trước chuyện chia tay dù vẫn còn thương. Pim đồng ý luôn và mua vé một chiều về Bỉ”.
Năm đó, em trai Quyên gặp tai nạn, dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Nhiều chuyện buồn ập đến cùng lúc khiến Quyên cảm thấy đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.
Dù Pim đã về Bỉ nhưng cặp đôi vẫn thường xuyên trò chuyện. Có khi trong cuộc trò chuyện vui vẻ, Quyên lại đề cập tới chuyện quay lại nhưng Pim đều từ chối.
“Đến một thời điểm, tôi chấp nhận việc anh ấy sẽ không quay lại với mình. Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau nhưng tôi không còn ủy mị, níu kéo nữa. Tôi chỉ kể với Pim một ngày của tôi diễn ra vui vẻ như thế nào”.
Lúc này, Pim lại nhận ra tình yêu của mình dành cho cô gái Việt Nam vẫn còn. Mỗi lần đi qua những nơi mà cả hai từng đến chơi ở Bỉ, anh lại nhớ người yêu cũ. “Lúc đó, tôi thực sự hối hận khi nói lời chia tay với cô ấy” – Pim kể.
Cặp đôi nối lại mối quan hệ với lời hứa của Pim - sẽ quay lại Việt Nam ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Khác nhau từ cách rửa bát
Quyên tâm sự, cho đến tận bây giờ, họ vẫn có những khác biệt không thể dung hòa. Nhưng thái độ của cả hai với những khác biệt đó đã thay đổi so với ngày xưa.
Từ chuyện miếng giẻ rửa bát cho tới chuyện khi nào kết hôn, khi nào sinh con, cả hai đều có những mâu thuẫn nhất định về quan điểm.
“Chỉ riêng chuyện miếng giẻ rửa bát, đến giờ cả hai vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và trong nhà vẫn luôn để cả hai loại giẻ. Mỗi người đều có cách rửa bát khác nhau mà mình cho là đúng”.
Đỉnh điểm, có lần Quyên rất “sốc” và buồn trước phản ứng của chồng, đến mức đã định nói lời chia tay.
“Lần đó, tôi có bầu nhưng không may thai bị hỏng khi mới được vài tuần tuổi. Tôi là người theo đạo Tin lành, gia đình gốc Huế nên rất coi trọng các nghi lễ.
Ba mẹ và tôi thống nhất sẽ đi chôn thai nhi. Tôi nói anh đi cùng ba mẹ vì tôi vẫn đang nằm viện. Nhưng anh lại nói không muốn đi và hỏi tại sao phải làm như vậy.
Tôi thực sự sững sờ trước phản ứng ấy của anh. Tôi buồn đến mức chia sẻ cả chuyện ấy với mẹ chồng. Bà nhắn lại, nói rằng ‘mẹ biết con buồn vì vừa mất em bé.
Pim có thể chưa khéo léo trong cách nói chuyện nhưng con phải hiểu rằng con kết hôn với một người nước ngoài, sẽ luôn có những khác biệt về văn hóa, về cách ứng xử trước một sự việc và chuyện này sẽ còn tái diễn trong tương lai’.
Lúc ấy, tôi vẫn nghĩ là bà đang bênh anh ấy. Nhưng vài ngày sau, tôi bình tĩnh suy nghĩ lại và thấy bà nói có lý”.
Trước kia, những khác biệt như thế thường xuyên dẫn tới những cuộc tranh cãi không hồi kết giữa hai người. Nhưng càng sống với nhau lâu, họ càng biết học cách chấp nhận sự khác biệt của đối phương.
“Tôi dần nhận ra rằng, có những thứ mình cho là chắc chắn đúng nhưng người khác lại không thấy như vậy. Tôi vẫn sẽ nói ra những cái tôi cho là không hợp lý nhưng không phải với tâm thế ép buộc đối phương phải làm theo ý mình nữa.
Thay vào đó, tôi thay đổi cách nhìn của mình. Và từ khi tôi làm được điều đó, mối quan hệ của chúng tôi ‘yên bình’ hơn rất nhiều”.
Từ khi quyết định kết hôn cách đây 2 năm, cặp đôi cũng thống nhất với nhau rằng, tờ giấy đăng ký kết hôn thực sự không quan trọng bằng việc họ phải thay đổi để có thể sống vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này.
Ảnh: Nhân vật cung cấp