Ngày 10/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định 964 phê duyệt “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Chiến lược này là sự khẳng định tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; nhấn mạnh quan điểm phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam và đội ngũ chuyên gia xuất sắc để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chiến lược do 2 Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Bộ TT&TT trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Phát triển đội ngũ chuyên gia và tự chủ về công nghệ, sản phẩm được xác định là giải pháp căn cơ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng (Ảnh minh họa). |
Chiến lược thể hiện quan điểm an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng; trong đó cơ quan nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin.
Chuyển đổi căn bản về nhận thức và cách làm để thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa an toàn, an ninh mạng. Cụ thể là, chuyển từ mô hình bảo vệ phân tán sang mô hình bảo vệ tập trung; từ bị động ứng cứu sự cố sang chủ động dự báo sớm, cảnh báo sớm, phòng ngừa và ứng phó hiệu quả; từ đơn độc bảo vệ, giấu kín thông tin bị tấn công mạng sang chủ động hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chủ động phòng ngừa và hỗ trợ xử lý sự cố, phục hồi hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.
Chiến lược cũng nêu rõ quan điểm phát triển đội ngũ chuyên gia và tự chủ về công nghệ, sản phẩm, phổ cập dịch vụ là giải pháp căn cơ để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Đặc biệt, Chiến lược đã phân định rõ trách nhiệm và sự phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia giữa 3 lực lượng Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Với tầm nhìn mạnh mẽ là đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng trên không gian mạng, Chiến lược đã đề ra 13 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2025, Chiến lược đặt mục tiêu Việt Nam duy trì thứ hạng 25 đến 30 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng (GCI) theo đánh giá của Liên minh viễn thông quốc tế; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, có đơn vị được giao đầu mối, chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng chuyên trách về an toàn, an ninh mạng.
Cũng đến năm 2025, 80% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển từ 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế; hình thành một trung tâm R&D về an toàn thông tin mạng; doanh thu thị trường an toàn, an ninh mạng hằng năm tăng trưởng 25 - 30%; đảm bảo kinh phí chi cho an toàn, an ninh mạng đạt 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Để thực hiện các mục tiêu, Chiến lược đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược cũng được xây dựng phù hợp với các chiến lược khác của ngành TT&TT đã được ban hành hoặc đang được xây dựng, tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh để phát triển và bảo đảm an toàn cho hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số và tạo lập niềm tin số.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, đây cũng là một trong số ít chiến lược mà vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ngành được khắc họa rõ nét, nhắc đến khá nhiều để thúc đẩy phát triển công nghiệp an toàn, an ninh mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Vân Anh
Người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ Chính phủ số được hỗ trợ bảo vệ thông tin
Một chỉ tiêu trong dự án “Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử” là 100% người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ Chính phủ số được hỗ trợ bảo vệ thông tin.