Anh N.T.M (40 tuổi, trú Long Biên, Hà Nội) làm giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Công việc đòi hỏi anh thường xuyên vắng nhà, đi nước ngoài gặp đối tác. Vợ anh làm công việc văn phòng thông thường, có người giúp việc hỗ trợ chăm con.
Gần 10 năm chung sống, vợ chồng anh có đủ nếp và tẻ. Hai con đều không có nét giống với bố. Thậm chí, cô con gái da ngăm đen, tóc xoăn dù gia đình hai bên không ai có mái tóc như vậy. Anh M. vẫn tin tưởng vợ và yêu thương các con. Anh chiều chuộng vợ con vô điều kiện.
Cách đây hai tháng, anh đi công tác Trung Quốc dài ngày. Khi về, anh muốn mang lại bất ngờ cho vợ con nên âm thầm không báo trước. Vừa bước chân vào cửa, người chồng phát hiện giỏ quà đồ chơi gửi tới cho hai đứa trẻ nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) với dòng chữ: “Chúc các con của ba chăm ngoan, học giỏi”.
Bà giúp việc còn tưởng anh không về được nên gửi quà cho tụi nhỏ và cũng không biết người chuyển quà tới là ai. Sinh nghi, anh M. xé thiệp chúc mừng và bắt đầu nghĩ tới huyết thống của hai đứa trẻ.
Ngày hôm sau, anh lặng lẽ vào phòng của hai con lấy bàn chải đánh răng cho vào túi zip mang tới Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội. Mẫu của anh M. được nhân viên lấy trực tiếp tại trung tâm. Người đàn ông chọn nhận kết quả nhanh nhất trong ngày.
Đầu giờ chiều, anh M. tới nhận tờ giám định. Kết quả cho thấy hai đứa trẻ không cùng huyết thống với anh. Phân tích ADN còn cho thấy anh M. có bất thường nhiễm sắc thể được khuyến cáo xét nghiệm chuyên sâu hơn về di truyền.
Không tin vào kết quả, người đàn ông khẳng định mình nam tính, không bị các bệnh nam khoa, chuyện chăn gối bình thường, không thể có bất thường, nghi ngờ kết quả xét nghiệm sai.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội, kết quả xét nghiệm không sai. Đối với trường hợp này, bà Nga nhận định có thể người vợ có quan hệ ngoài luồng hoặc biết rõ chồng bất thường không thể sinh con, xin hỗ trợ từ ngân hàng tinh trùng. Do đó, bà khuyên anh và vợ cần trao đổi làm rõ. Bà Nga cho biết thêm nếu xét nghiệm sai, bà sẵn sàng chấp nhận bị kiện, bồi thường cho gia đình.
Sau đó, người đàn ông tiếp tục đến trung tâm lớn về gene và di truyền làm xét nghiệm. Kết quả, anh bị bất thường nhiễm sắc thể hay còn gọi hội chứng Klinefelter dẫn tới thiểu năng sinh dục và vô sinh. Anh sốc nặng khi bị vợ lừa dối và rất khó đối diện với sự thật mình vô sinh.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hội chứng Klinefelter là tình trạng bất thường nhiễm sắc thể gây thiểu năng sinh dục và vô sinh ở nam giới. Bộ nhiễm sắc thể của nam giới là 46, cặp nhiễm sắc thể giới tính là XY nhưng khi mắc hội chứng này nam giới có 2 hoặc nhiều hơn nhiễm sắc thể X trong bộ nhiễm sắc thể (XXY).
Người mắc hội chứng trên không thể sinh con tự nhiên, cần phải hỗ trợ sinh sản. Phương pháp duy nhất mang lại cơ hội có con cho họ là phẫu thuật tìm tinh trùng từ các mô tinh hoàn. Tỷ lệ tìm tinh trùng khoảng 51,3%. Sau đó, sử dụng tinh trùng này làm thụ tinh trong ống nghiệm cùng với trứng của người vợ.
Những người mắc hội chứng Klinefelter không có biểu hiện lâm sàng. Đa số nam giới phát hiện khi kết hôn muộn con mới đi khám. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo khi dậy thì, còn trẻ hay tiền hôn nhân, nam giới có bất kỳ nghi ngờ hoặc bất thường ở sức khỏe sinh sản nên thăm khám và điều trị dự phòng sớm.