Thông thường, khi máy tính trục trặc, người dùng thường nhờ ai đó hoặc gọi thợ tới sửa chữa. Tuy nhiên, cũng có những trục trặc mà cách khắc phục rất đơn giản, không tốn nhiều công sức.
Máy tính không khởi động
Có nhiều lý do khiến máy tính không khởi động: hệ điều hành trục trặc, ổ cứng và bo mạch có vấn đề. Thế nhưng, có một lý do đơn giản mà nhiều người không để ý, đó là lỏng cáp nguồn.
Với PC, bạn hãy kiểm tra cáp nguồn cắm vào máy tính có vấn đề gì không. Đôi khi cáp nguồn chính là nguyên nhân của nhiều trục trặc máy tính. Nếu có sợi cáp khác, bạn nên thay vào để kiểm tra.
Máy tính chậm hoặc treo
Máy chạy chậm là tình trạng thường hay gặp phải của laptop và PC. Nguyên nhân có thể do ổ cứng bị phân mảnh, vi xử lý chậm, máy quá cũ (5-10 năm hoặc hơn).
Tuy nhiên, nếu máy dùng chip đời cao mà vẫn chậm thì nguyên nhân có thể do RAM thấp. Bộ nhớ RAM là cấu phần quan trọng giúp máy tính vận hành trơn tru hơn.
Giải pháp rất đơn giản là bạn gắn thêm RAM vào máy tính. Tuy nhiên, trước khi mua, nên kiểm tra xem máy tính hỗ trợ chuẩn RAM nào để tránh mua nhầm. Ngoài ra, RAM laptop thường không tương thích với bo mạch của PC.
Đổ chất lỏng vào laptop
Vô tình đổ chất lỏng vào bàn phím máy tính cũng thường xuyên xảy ra, nhất là trong môi trường văn phòng bận rộn. Các bo mạch điện tử rất kị chất lỏng, nên nếu chẳng may có đổ vào, bạn cần xử lý đúng cách.
Nếu đổ chất lỏng vào bàn phím máy tính để bàn, bạn chỉ cần lấy bàn phím khác cắm vào là xong. Còn nếu là bàn phím laptop, mọi thứ sẽ phức tạp hơn chút.
Ngay dưới bàn phím laptop và vi xử lý, RAM, bo mạch, ổ cứng và pin. Khi xảy ra sự cố, trước hết cần rút cáp nguồn (nếu đang cắm nguồn) rồi lập úp máy tính xuống. Sau đó dùng khăn giấy khô lau chất lỏng. Thao tác cần thận trọng, tránh để nước lan rộng ra.
Sau đó, tháo pin ra và để khô laptop. Có thể để máy vào thùng hút ẩm, hoặc dùng máy sấy ở chế độ nhỏ nhất và đặt cách xa ít nhất 20cm.
Ngay cả khi bạn nghĩ máy đã khô nhưng thực chất là chưa. Hãy chịu khó chờ đợi, dựng máy hình chữ V trong phòng ấm hoặc gần nguồn nhiệt. Không đặt laptop trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Đặt máy vào thùng gạo để hút ẩm cũng là một ý hay.
Hãy để khô ít nhất 24h hoặc tốt nhất 36h trước khi sử dụng lại máy.
Ổ cứng HDD hỏng
Ổ cứng hỏng có thể làm mất dữ liệu. Khi đó, việc khôi phục sẽ rất vất vả, đôi khi tốn kém tiền bạc. Trước khi nhờ cậy biện pháp tốn kém hơn, bạn nên kiểm tra cáp nguồn và cáp dữ liệu ổ cứng xem chúng có vấn đề gì không.
Tốt nhất nên thay cáp mới để xác định vấn đề do cáp hay do ổ cứng.
Máy tính quá nóng
Tản nhiệt kém khiến vi xử lý nóng lên, máy hoạt động quá sức, phát sinh nhiệt nhiều, thậm chí ngừng hoạt động. Bạn nên vệ sinh thường xuyên khe tản nhiệt và chắc rằng quạt tản nhiệt vẫn hoạt động.
Với PC, bạn nên vệ sinh bên trong máy, tránh để bụi bám quá nhiều vào các linh kiện. Ngoài ra, tăng thêm quạt tản nhiệt cho máy cũng là giải pháp hay.
Pin hao quá nhanh
Pin laptop của bạn đang hao quá nhanh. Thực tế, thời lượng pin laptop giảm dần theo thời gian sử dụng. Nếu pin hết nhanh tới mức luôn phải cắm nguồn khi sử dụng, bạn nên tính tới phương án mua pin mới.
Nếu mua pin mới, bạn nên mua pin chính hãng của nhà sản xuất, không nên dùng pin trôi nổi chất lượng kém, ảnh hưởng tới tuổi thọ của máy.
Đồ họa kém
Bạn thường xuyên chơi game hoặc biên tập video, nếu đồ họa máy tính không đáp ứng được nhu cầu, giải pháp duy nhất là nâng cấp card đồ họa.
Nhưng ngay cả khi đã nâng cấp card đồ họa mà máy tính vẫn chậm chạp, hãy tính tới phương án nâng cấp bộ nguồn để có thể cấp đủ nguồn card đồ họa.
Ngoài ra, cũng cần kiểm tra xem quạt tản nhiệt của card đồ họa có đáp ứng nhu cầu không. Nếu không, hãy thay một chiếc quạt mới.
Máy chạy ồn
Máy tính chạy ồn thực sự phiền phức. Tình trạng này chủ yếu do quạt tản nhiệt hoạt động quá công suất.
Nếu không phải lý do này, hay xem quạt có được gắn cố định vào máy không. Đôi khi chỉ cần vài động tác siết tôvít là đã giải quyết được vấn đề.
Cũng có tra thêm dầu cho quạt, hoặc thêm miếng xốp vào giữa quạt tản nhiệt và thùng máy để giảm tiếng ồn. Bạn cũng có thể cân nhắc giải pháp tản nhiệt bằng chất lỏng nếu chi thêm chút tài chính.
Không vào được Wi-Fi
Ngoài những nguyên nhân như mất mạng, sai mật khẩu Wi-Fi, bạn cần xem vị trí đặt máy tính có bị che khuất bộ phát quá nhiều hay không. Hãy thử di chuyển máy tính xem tín hiệu có cải thiện không.
Laptop và PC thường có cổng Ethernet. Nếu không phiền vì dây cáp mạng lằng nhằng, bạn có thể sử dụng kết nối ổn định này.
Máy tính dính bụi bẩn
Máy tính không chỉ là công cụ giải trí mà còn là phương tiện làm việc hàng ngày. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho máy tính không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn mà còn nâng cao tuổi thọ thiết bị.
Bạn có thể dùng máy hút bụi để làm sạch bụi bẩn, hoặc máy nén khí để thổi bay bụi ra ngoài. Vệ sinh định kỳ máy tính giúp máy hoạt động ổn định hơn.
Ngoài máy tính, chuột và bàn phím cũng cần làm sạch thường xuyên.
Đặt sai vị trí
Không phải chỗ nào cũng thích hợp để đặt máy tính. Chẳng hạn, không nên đặt máy tính dưới mặt sàn nếu nhà có nuôi chó hoặc mèo.
Tương tự, những vị trí mà luồng không khí hoặc điều hòa không chạm tới cũng không nên đặt máy tính. Nên đặt máy ở nơi thoáng đãng, giúp tản nhiệt tốt hơn và sử dụng thoải mái hơn.
Theo Zing