Một trong những startup tiên phong ứng dụng công nghệ AI sinh tạo trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và marketing tại Việt Nam là LovinBot, đây là một trong những startup của Việt Nam phát triển trợ lý ảo thuộc lĩnh vực này, ngay thời điểm ban đầu ChatGPT còn đang ở giai đoạn thử nghiệm.

hinh anh 1.jpg
Trợ lý ảo sáng tạo nội dung LovinBot.

Đồng sáng lập LovinBot là ông Đặng Hữu Sơn (Sonny Dang) cho biết, hiện startup này có hai sản phẩm chính là trợ lý viết content AI dành cho cá nhân và AI Agent, trợ lý thế hệ mới dành cho doanh nghiệp.

Với trợ lý viết content bằng AI tích hợp GPT-4 đã tối ưu và huấn luyện tăng cường tiếng Việt dành cho người Việt. Sản phẩm giúp giảm chi phí, tăng doanh thu từ hoạt động viết nội dung sáng tạo bằng AI, với hơn 600+ mẫu nội dung có sẵn như viết bài SEO, viết nội dung bán hàng, nội dung website…

Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng tính năng Chat tương tự ChatGPT dành cho người Việt hoàn toàn miễn phí, hiện nay đã có hơn 5.000 nhà sáng tạo sử dụng mỗi ngày.

Sau thành công trợ lý AI đầu tiên, nhờ tích lũy được kinh nghiệm, khả năng làm chủ công nghệ mới nhất về AI và nhận được rất nhiều yêu cầu từ doanh nghiệp về một giải pháp trợ lý AI đa năng, đây là điều thúc đẩy đội ngũ kỹ sư của startup Việt này xây dựng và hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng để ra mắt LovinBot AI Agent.

hinh anh 2.png
Trợ lý ảo đa năng của LovinBot.

AI Agent là công nghệ mới nhất về “AI tạo sinh” trên thế giới được tích hợp vào chatbot. Công nghệ này trở nên thông minh hơn rất nhiều vì có thể suy nghĩ, hiểu ngữ cảnh và phản hồi người dùng tốt hơn bằng ngôn ngữ tự nhiên. AI Agent dễ dàng huấn luyện từ các data có sẵn của doanh nghiệp, từ đó có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như tư vấn bán hàng theo giai đoạn, trở thành một trợ lý nhân sự tư vấn chính sách cho bộ phận nhân sự, hay có thể được huấn luyện để trả lời các dữ liệu tài chính kết nối thời gian thực gắn lên website, messenger hay bất kỳ nền tảng nào doanh nghiệp cần với chi phí phù hợp.

Ông Đặng Hữu Sơn cho biết, với khả năng của LovinBot AI Agent, hiện đội ngũ đã nhận được những đơn hàng lớn là các đối tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, bất động sản và tài chính. Điểm chung các đơn vị trên đều có nhu cầu huấn luyện dữ liệu có sẵn để số hóa hoạt động chăm sóc khách hàng và bán hàng, tiết kiệm chi phí, tăng trải nghiệm khách hàng bằng trợ lý AI.

Theo ông, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, kết hợp với nhu cầu số hóa các bộ phận trong doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, việc tích hợp trợ lý AI sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

cacmaumaika.png
Trợ lý ảo MaiKa về sáng tạo nội dung.

Ngoài LovinBot, hiện có rất nhiều các startup phát triển các trợ lý ảo đa năng để viết các nội dung sáng tạo hoặc phục vụ các chương trình marketing cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như MaiKa AI, một trợ lý ảo được OLLI Technology xây dựng dựa trên công nghệ ChatGPT và tích hợp thêm nhiều công nghệ AI tiên tiến khác đã ra đời, với mục đích hỗ trợ cho nhân viên văn phòng, người làm marketing, giải quyết được nhiều công việc cùng một lúc, một cách đơn giản nhưng lại rất bài bản và chi tiết.

Khác với công cụ AI khác, người dùng phải tự nhập câu lệnh, với MaiKa AI các nội dung sẽ được cung cấp sẵn với hơn 30 mẫu được chuẩn hoá cấu trúc theo yêu cầu của từng dạng nội dung. Chẳng hạn người dùng muốn thực hiện các bài viết về SEO cho website, các mẫu nội dung quảng cáo để chạy trên Facebook, các nội dung để đăng Tiktok, nội dung email marketing, hay thậm chí cách đặt tiêu đề cho một bài báo hay viết blog… việc này được thực hiện rất đơn giản, chỉ cần nhập thông tin đầu vào ở các trường có sẵn ở các mẫu, rồi bấm “tạo nội dung”, ngay lập tức mọi thứ sẽ được thực hiện theo yêu cầu.

aicontent.png
Trợ lý ảo AI content của Unikon.

Tương tự là nền tảng AI content của Unikon với trợ lý ảo đa chức năng, đa nghiệp vụ có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trợ lý ảo viết lách, trợ lý ảo quản lý chiến dịch; trợ lý ảo chăm sóc khách hàng; trợ lý ảo tuyển dụng nhân sự; trợ lý ảo tư vấn chiêm tinh, thần số học… 

Theo đó, mỗi trợ lý ảo được xây dựng dựa trên việc cấu hình theo các nhóm chức năng: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; phong cách và khả năng giao tiếp; khả năng học tập và ghi nhớ; khả năng tương tác và hỗ trợ khách hàng… Việc cấu hình này được tuỳ biến theo nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, các trợ lý ảo cũng dễ dàng được tích hợp vào các nền tảng khác nhau; sử dụng trực tiếp trên nền tảng AI content, tích hợp vào website khách hàng hoặc bất kỳ kênh social nào mà khách hàng đang sở hữu (facebook, zalo, tiktok…).

Phương Thúy và nhóm PV, BTV