Trong dịp kỷ niệm 40 năm bản Đề cương về văn hóa Việt Nam được ban hành năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu: “Văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội”. Điều này cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa và dân tộc: văn hóa thịnh thì dân tộc thịnh, văn hóa suy thì dân tộc suy.
Đã trải qua 80 năm nhưng một câu hỏi tại sao Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn ý nghĩa quan trọng đến như vậy? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời, riêng tôi cho rằng, đó là vì bản Đề cương đã chạm đến những vấn đề quan trọng, xuyên suốt thời gian của đất nước: Vận mệnh dân tộc.
Đề cương đã giúp khai sáng, thức tỉnh, tập hợp toàn dân tộc, đặc biệt là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ; lấy vận mệnh của đất nước làm mục đích tranh đấu của trí thức, văn nghệ sĩ; lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Những mục đích này rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta những năm trước 1945, vì thế, Đề cương thực sự trở thành một cuộc cách mạng trong tư tưởng, học thuật, nghệ thuật để tạo nên sức mạnh cho dân tộc ta.
Bối cảnh xã hội ngày hôm nay, với nhiều sự xáo trộn, phức tạp, rất cần có sự quyết tâm cao, thì những giá trị của bản Đề cương lại càng cần được phát huy hơn nữa. Chúng ta cần thống nhất mục đích, quyết tâm, hành động để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta cần sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ dấn thân để khai mở trí tuệ, tâm hồn để mở đường cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Những nỗ lực gần đây của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm sự kiện lớn của đất nước chính là cách chúng ta thể hiện quyết tâm này. Đó cũng là điều chứng minh sức sống mãnh liệt của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là một cuộc cách mạng văn hóa, tạo ra sức sống mới, vận mệnh mới cho văn hóa, cho đất nước. Đến nay, đứng trước nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển đất nước, chúng ta nhận thấy nhu cầu bức thiết phải có một công cuộc Đổi mới về văn hóa.
Nếu như Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 được coi như cương lĩnh của Đảng về văn hóa, có tác động thức tỉnh dân tộc để tạo nên sức mạnh vĩ đại cho đất nước, được coi như một cuộc cách mạng về văn hóa (tư tưởng, học thuật và nghệ thuật), thì bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta cũng cần có một cuộc Đổi mới mang tính cách mạng như thế.
Từ văn hóa cứu quốc, đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng văn hóa kiến quốc. Văn hóa là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, không chỉ là nền tảng tinh thần, mà còn là mục tiêu, động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước.
Giờ đây, chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề đang cần tinh thần, giá trị và sức mạnh của văn hóa điều tiết, thẩm thấu, lan tỏa tạo nên tính tích cực, môi trường lành mạnh, phù hợp cho sự phát triển bền vững đất nước.
Muốn như vậy, bản thân văn hóa phải phát triển bền vững, bản thân văn hóa phải lành mạnh và văn minh.
Tuy nhiên, chúng ta đang thấy rất nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến văn hóa, từ sự xuống cấp đạo đức xã hội, mê tín dị đoan hay nhiều thói hư tật xấu khác trong xã hội. Tất cả đều có nguyên nhân từ văn hóa.
Muốn như vậy, bản thân văn hóa phải phát triển bền vững, bản thân văn hóa phải lành mạnh và văn minh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về bức xúc, bất cập của văn hóa lại đến từ các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.... Vì thế, để giải quyết những vấn đề của văn hóa, chúng ta cần phải quan tâm phát triển đồng bộ chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học – công nghệ...
Song cách thức xử lý những vấn đề về văn hóa của chúng ta dường như chưa triệt để. Tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là internet và mạng xã hội.
Cách quản lý văn hóa của thời kỳ bao cấp nặng về xin - cho, thụ động, chỉ đợi 8 giờ đến mở cửa, 17h đóng cửa, không quan tâm đúng mức đến phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu… vẫn còn rơi rớt đến tận ngày hôm nay.
Những thành tựu lý luận đổi mới về chính trị, về kinh tế chưa được chuyển tải vào trong lĩnh vực văn hóa. Xu thế quản lý văn hóa trên thế giới như phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm, quan tâm đến quyền văn hóa của nhân dân, dù được quan tâm, nhưng chưa thực sự phát huy để tạo đột phá cho phát triển văn hóa.
Bố trí cán bộ văn hóa còn tùy tiện, chưa đúng người, rõ việc; việc huy động nguồn lực cho văn hóa còn chưa được chú ý đầy đủ, hiện tượng coi văn hóa là cờ, đèn, kèn, trống, đóng đinh, leo thang, không thiết yếu với quốc kế dân sinh vẫn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo.
Điều này dẫn đến việc văn hóa được nói đến nhiều, nhưng không thực chất, hiệu quả.
Vì thế, nhất thiết chúng ta phải tiến hành một công cuộc Đổi mới về văn hóa. Công cuộc ấy phải được bắt đầu từ đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, ở đó, phát triển văn hóa phải ở vị trí trung tâm của mọi sự phát triển; văn hóa phải được thẩm thấu trong mọi kế hoạch, chiến lược, luật pháp...; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước.
Đổi mới ấy cần bắt nguồn từ những cán bộ văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ với quyết tâm thực, hành động cụ thể, hiệu quả rõ ràng cho văn hóa. Đổi mới ấy cần được thực hiện bởi việc khơi thông mọi nguồn lực, đặc biệt là của nhân dân, cho phát triển văn hóa. Đổi mới ấy cần đặt quyền văn hóa của nhân dân phải được coi trọng. Đổi mới ấy cần tạo ra sự tự tin và bản lĩnh Việt Nam từ văn hóa, bằng văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Bùi Hoài Sơn