Vụ việc đau lòng khi em bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong chưa lắng dịu thì lại đến vụ cháu bé bị đóng đinh vào đầu, là hình ảnh kinh hoàng khi ông bố trẻ hất cả mâm cơm vào mặt bà mẹ trẻ và mấy đứa con, rồi bao nhiêu câu chuyện đau thương khác - toàn những vụ việc đau lòng, kinh hoàng.
Một câu hỏi đặt ra là: Dư luận dậy sóng về những vụ việc động trời này nhưng rồi sau đó thì sao? Khả năng là những vụ việc lại chìm vào quên lãng như bao nhiêu vụ việc khác, kiểu “Án hành hạ bé gái tử vong chưa xử xong, loạt vụ bạo hành lại ập tới”.
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, rồi lại có những vụ việc bạo hành phụ nữ và trẻ em chấn động khác…
Điều này xảy ra vì có thể do những chế tài chưa đủ nghiêm minh đối với tội danh này nhưng cũng có thể là do truyền thông chưa đủ mạnh. Cần hành động quyết liệt hơn.
Cần phải truyền thông thường xuyên và liên tục chứ không phải chỉ khi có các vụ việc bạo hành.
Vào các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hay ngày Phụ nữ Việt Nam hàng năm 20/10 thì loa truyền thanh của thôn, xã, phường phát bài tuyên truyền liên tục về những ngày này. Những bài tuyên truyền này qua phương tiện loa truyền thanh đó đã đến từng ngõ, từng nhà, từng người của thôn xóm, tổ dân phố rất hiệu quả. Bản thân tôi giờ đây không cần tìm hiểu tôi cũng biết được lịch sử và ý nghĩa của ngày 8/3; 1/5… nhờ được đài truyền thanh thôn tuyên truyền liên tục vào mỗi dịp những ngày kỷ niệm của những ngày này.
Nên chăng từ sau sự việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong này thì các đoàn thể, đặc biệt là Hội phụ nữ cần phát động sâu rộng phong trào chống bạo hành phụ nữ và trẻ em kiểu như vậy. Theo bài báo: Đau lòng trước các vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho hay, qua vụ việc bạo hành bé V.A, vụ bé L. và những vụ đã xảy ra, có thể thấy mức độ bạo hành trẻ em càng ngày càng nhiều và đáng lên án.
Qua đây, nữ luật sư nhấn mạnh: "Chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người lớn, tuyên truyền sâu rộng vào các khu dân cư, chung cư, các xóm lao động, khu công nghiệp… để mọi người ý thức, không bạo hành trẻ em; cho người ta biết khi bạo hành trẻ em sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Nếu đánh trẻ em mà thương tích dưới 11% cũng bị khởi tố, tức là chỉ cần đánh là bị khởi tố, để người lớn ý thức được rằng không được đụng tới trẻ em, đụng tới trẻ em là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Truyền thông thường xuyên và liên tục, có thể 1 lần/ 1 tháng đến tận từng ngõ xóm, từng hộ gia đình qua các phương tiện truyền thông như các đài truyền thanh thôn, xã, phường về Quyền của trẻ em, về những hậu quả của việc bạo hành phụ nữ và trẻ em; những hình phạt khi bạo hành phụ nữ và trẻ em, khi bị bạo hành thì báo tin cho ai; những cá nhân mà thấy bạo hành mà không can ngăn, lên tiếng thì sẽ bị xử phạt như thế nào....
Khi hành động quyết liệt, truyền thông sâu rộng như vậy thì có thể vẫn còn những vụ việc bạo hành phụ nữ, trẻ em đau lòng, nhưng có thể sẽ hạn chế dần dần. Truyền thông sâu rộng sẽ hạn chế những cuộc đời như cuộc đời của cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu hay cuộc đời khốn khổ của cháu bé V.A 8 tuổi bất hạnh kia, hạn chế những cuộc đời sống không bằng chết do đã và đang bị bạo hành, (ai đã từng bị bạo hành thì sẽ rất thấm điều này); hay để hạn chế những hình ảnh như hình ảnh kinh hoàng khi chồng hất mâm cơm vào vợ và mấy đứa con mới đây.
Người họ hàng nhà tôi đánh con, cháu kinh hoàng; có người nhìn thấy xót xa quá bảo là bà này dừng tay lại không thì quay clip bây giờ, chị ấy bảo quay đi, công an cũng chẳng sợ. Người thân xót xa có nhắc nhở thì chị này chẳng nghe, nói năng rất khó nghe, chị bảo đấy là con cháu chị, chị ấy muốn làm gì thì làm, không ai có quyền can thiệp. Nếu bây giờ loa truyền thanh thôn, xóm phát định kỳ, liên tục về việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em như trên thì những người như chị này sẽ dần dần được thẩm thấu, việc đánh chửi con, cháu của chị này chắc sẽ được hạn chế dần dần, thậm chí có thể chấm dứt hẳn.
Nhìn cách một đất nước/ gia đình/ cá nhân đối xử với phụ nữ và trẻ em thế nào thì biết trình độ văn minh của đất nước/ gia đình/ cá nhân đó. Việt Nam chúng ta không thể nào đứng ngoài tiến trình phát triển tiến tới văn minh của nhân loại được.
Để chấm dứt ngay việc bạo hành phụ nữ, trẻ em là không thể, tuy vậy nếu truyền thông thường xuyên qua đài truyền thanh thôn, xã, phường về Quyền của trẻ em,… như đã nói trên thì có thể sẽ góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về những vấn đề này, từ đó sẽ hạn chế dần những vụ bạo hành, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em - một vấn đề quan trọng nếu đất nước muốn trở nên văn minh.
Anh Phạm