Tuần lễ Thơ Thiền Việt Nam diễn ra từ ngày 25-31/3 tại Huế. Ban tổ chức sự kiện này gồm: Trung Tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán, TP.Huế - Trung Tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Nhóm Nghiên cứu Văn hoá Tâm Việt.
Sự kiện có các chương trình chính gồm:
Triển lãm 2 bộ sách Thơ Thiền Việt Nam - Ảnh tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán. Tuyển tập Thơ Thiền Lý-Trần tam ngữ (Hán-Việt-Anh), do nhà thơ Nguyễn Duy hợp tác với 2 nhà thơ Mỹ, Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen, biên soạn, biên dịch - Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005.
Tuyển tập Thơ Thiền Lê-Nguyễn tam ngữ (Hán-Việt-Anh), do nhà thơ Nguyễn Duy hợp tác với 2 nhà thơ Mỹ, Nguyễn Bá Chung và Sam Hamill, biên soạn, biên dịch - Nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành năm 2019.
Triển lãm do nhóm Tâm Việt chủ trì nội dung, thiết kế, in ấn; phối hợp trưng bày cùng Trung tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế và TT Văn hoá Phật giáo Liễu Quán khai mạc vào 8h30 sáng 25/3.
Toạ đàm Thơ Thiền Việt Nam tại 15A Lê Lợi, Huế, từ 8h - 11h ngày 26/3 với sự tham dự của Thiền sư Lê Mạnh Thát, GS.TS. Thái Kim Lan, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy, luật sư Ngô Tiến Nhân cùng một số nhà nghiên cứu khác.
Ngoài vai trò chủ trì tọa đàm, Thiền sư Lê Mạnh Thát sẽ trình bày thêm nội dung “Thơ Thiền Việt Nam với vai trò Hộ quốc an dân trong lịch sử”.
Diễn xướng Thơ Thiền Việt Nam (đọc và ngâm thơ điệu cổ) lúc 20h ngày 26/3 tại nhà hát cung đình Duyệt Thị Đường, Đại Nội. TT Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì - nhóm Tâm Việt phối hợp tổ chức nội dung.
Triển lãm thư pháp thơ Thiền Việt Nam qua thư pháp chữ Hán: 8h ngày 27/3 tại Vườn Thiệu Phương, Đại Nội. TT Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì.
Ngoài các hoạt động chính trên đây, trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Thơ Thiền Việt Nam tại Huế còn có một số hoạt động khác liên quan đến Thơ ca trong đó có Đêm Thơ và Ca Huế trên sông Hương… Sau 7 ngày hoạt động, Tuần lễ Thơ Thiền Việt Nam sẽ bế mạc vào 15h ngày 31/3 tại 15 A Lê Lợi, TP.Huế.
Bên cạnh các nghi thức, lễ bế mạc sẽ có chương trình biểu diễn các bài hát Thiền, diễn tấu nhạc Thiền và kết thúc bằng tiết mục trình diễn bài thơ Cư Trân Lạc Đạo của Vua Trần Nhân Tông.