Ngày 9/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã thông tin về kế hoạch tổ chức chương trình 'Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023'.
Theo đó, trên phạm vi toàn quốc, Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia năm 2023 sẽ được Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 27/11 đến ngày 3/12. Chương trình '60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023' sẽ bắt đầu diễn ra từ 0h thứ Sáu ngày 1/12 đến 12h ngày 3/12.
Trong năm thứ 10 được tổ chức, chương trình tiếp tục hướng tới kích cầu tiêu dùng trong nước bằng cách thu hút người dân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số, qua đó thúc đẩy phát triển thương mại điện tử vùng, tăng cường nhận thức của người dân với thương mại điện tử và thúc đẩy việc đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình cũng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử; truyền thông trên toàn quốc để người dân, doanh nghiệp biết về các chính sách, chương trình của Chính phủ về phát triển thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền phòng, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Thúc đẩy người tiêu dùng trong việc nhận biết và sử dụng các sản phẩm chính hãng, đặc biệt chú trọng hỗ trợ các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam.
Trong thông tin chia sẻ ngày 9/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ có cơ hội tham gia vào các hoạt động cụ thể như hội nghị phát triển thương mại điện tử Việt Nam; sự kiện trực tuyến 60h mua sắm trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam; lễ hội trải nghiệm thương mại điện tử và âm nhạc tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, trải nghiệm đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý thông qua Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử…
Chương trình "60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023" được tổ chức trên các hệ thống website, ứng dụng của chương trình, cung cấp mã mua sắm toàn quốc và các chương trình khuyến mại sản phẩm hàng hóa/dịch vụ của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thông qua thương mại điện tử. Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ cam kết cùng tham gia xây dựng Hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Với mục tiêu tiếp cận khoảng 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng của chương trình, 500 nhãn hàng và 3.000 doanh nghiệp tham gia trong 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ chủ trì, phối hợp cùng các đối tác là các sàn thương mại điện tử triển khai nhiều giải pháp. Mục tiêu là thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đi đôi với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ cùng trao đổi, chia sẻ về các chủ trương chính sách của hệ sinh thái số bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến; vai trò của chuyển phát trong thương mại điện tử để xây dựng niềm tin của khách hàng, xây dựng hình ảnh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam uy tín; thanh toán không dùng tiền mặt và vai trò trong hệ sinh thái số bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; mô hình thanh toán đảm bảo: ứng dụng tin cậy dành cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử...
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kỳ vọng: “Chuỗi sự kiện năm nay sẽ tạo ra được 'sân chơi chung' lành mạnh cho cả người mua và người bán trên môi trường số, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đột phá của lĩnh vực thương mại điện tử, cũng như kinh tế số tại Việt Nam. Thể hiện được vai trò kết nối, hỗ trợ của cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, người dân cùng hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử bền vững”.