Tùng Dương vừa có đêm nhạc ấn tượng kỷ niệm 20 năm ca hát. Rất nhiều nhà báo, đồng nghiệp trong nghề và người nổi tiếng đi xem như: nhạc sĩ Giáng Son, ca sĩ Đăng Dương, MC Diễm Quỳnh... dành những lời có cánh cho anh trên trang cá nhân.
Có lẽ đây là show cá nhân xuất sắc và mãn nguyện nghe - nhìn nhất trong năm của nhạc Việt. Bởi Tùng Dương và âm nhạc của mình đã gõ vào cánh cửa còn đóng trong người khác, kích ứng và rủ rê người ta thử đi khỏi những lối mòn, rời khỏi vùng an toàn để dấn bước vào những chiều kích lộng lẫy của hoang tưởng…
Đó là một Tùng Dương lãng mạn và tinh tế với Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang), Nếu là nữ biết đâu anh là em (Nguyễn Vĩnh Tiến), Một mình (Thanh Tùng), Ru ta ngậm ngùi (Trịnh Công Sơn), Đường xa tuyết trắng (Lê Anh Dũng). Một Tùng Dương đầy triết lý với các tác phẩm Con người (Bùi Caroon), Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Trời và đất (Lưu Hà An). Và ngay cả với Gieo mầm - sáng tác do chính Tùng Dương viết lần đầu công bố cũng tràn đầy năng lượng.
Nhạc Trần Tiến là tự sự thì Tùng Dương là người kể chuyện. Trong âm nhạc của Trần Tiến có một vẻ đẹp thật cảm động về nỗi buồn và những điều thương nhớ đã vĩnh viễn mất, về một giấc mơ khoáng đạt không thể chạm tới. Và ngoài Hà Trần, không ai có thể vẽ lại vẻ kỳ ảo và buồn thương ấy giỏi như Tùng Dương, đặc biệt trong hai tác phẩm: Quê nhà, Mẹ tôi.
Clip Tùng Dương hát ''Quê nhà - Mẹ tôi'':
Một người có thái độ sống quyết liệt, mạnh mẽ và đầy khiêu khích, luôn loay hoay để tìm kiếm tận lõi bản chất của mọi thứ va vào mình, âm nhạc của Tùng Dương vốn không ngọt ngào mà để kích hoạt một điều gì đó không yên ổn và bất toại trong chính con người nghệ sĩ đơn độc của anh.
20 năm lắng nghe bản thân và khán giả, Tùng Dương ngày càng hoàn thiện, cởi mở và linh hoạt để dẫn dắt, thuyết phục công chúng chấp nhận những thử nghiệm của mình, trong đó có cả việc cover bài người khác.
Khi Tùng Dương hát bài Ngày chưa giông bão, Ai chung tình được mãi, Nàng thơ, có người đặt ra câu chuyện liệu anh có thỏa hiệp để chiều lòng người nghe? Và câu trả lời thuộc về sự cảm nhận riêng của mỗi người. Nhưng rõ ràng, với những gì thể hiện trong liveconcert 20 năm Tùng Dương đã mang đến các bản hit này một đời sống khác. Mới mẻ, trữ tình và tinh tế không kém những ca khúc mà anh từng hát.
Tôi vẫn nhớ khi Tùng Dương bắt đầu góp giọng vào nền nhạc nhẹ Việt Nam với cột mốc 2004 khi anh trở thành quán quân Sao Mai điểm hẹn thì Thanh Lam, Hà Trần đã là hai đàn chị có vị trí vững chắc trong nghề, hay nói như dư luận tạm gọi là ở “chiếu trên”. Giọng hát của Tùng Dương lúc đó dù được khen ngợi là ‘hiện tượng’ nhưng vẫn như một viên ngọc thô, chưa được mài giũa.
Clip Tùng Dương hát ''Con người'':
Nhưng qua thời gian, tuổi nghề, kinh nghiệm đứng trên sân khấu lẫn trải nghiệm đã đưa Tùng Dương lên một vị trí mới bên cạnh Thanh Lam, Hà Trần mà không hề bị khập khiễng. Thậm chí, ngay cả khi Tùng Dương đã làm được đêm nhạc riêng với 4.000 khán giả lấp đầy thì Hà Trần mới rón rén nói rằng cô sẽ cố gắng theo bước đàn em để mơ một ngày mình cũng được thực hiện đêm nhạc tương tự.
Tùng Dương là người có “cơ địa” đặc biệt ở điểm khi đụng đến bài nào là thành hit bài đấy hoặc chí ít cũng chết tên để khó ai hát lại được. Vì vậy soạn nhạc mục trong hơn 3 tiếng để thấy hết chặng đường quá phong nhiêu và rực rỡ của anh hẳn đã là việc chẳng dễ dàng gì.
Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng được tiếng là người kiệm lời và lẳng lặng làm. Dù trẻ nhưng anh có biệt tài kiểm soát tốt nghệ sĩ, làm cho ai là ra màu của người ấy. Anh cũng không phải là người dễ thoả hiệp để ca sĩ có thể tuỳ ý can thiệp các bản phối mà anh đã dày công bỏ chất xám. Vì thế các bài hát cũ, mới vẫn là giọng ca ấy nhưng mỗi lần đều mới lạ. Đặc biệt đôi mắt tinh tường biết thế nào là vừa đủ của Nguyễn Hữu Vượng lại cực kỳ cần để hoạch định lại năng lượng ngùn ngụt và tràn trề của Tùng Dương.
Trên sân khấu của 20 năm ca hát, Tùng Dương đã mời đến những người bạn tâm giao để cùng trình diễn. Đó là Thanh Lam và Hà Trần - 2 diva đang trong độ chín của sự nghiệp và cuộc đời; một Uyên Linh với giọng hát có thể biểu đạt xúc động nhất vẻ đẹp của những tan vỡ, nghi ngại trong tình yêu; một rapper Hà Lê đầy hơi thở hiện đại. Màn song ca The Phantom of the opera của Tùng Dương với giọng soprano Đào Tố Loan mang lại kịch tính.
Và đặc biệt không thể không nhắc đến tay ghi ta của ban nhạc Ngũ Cung - Trần Thắng trong màn góp lửa cuồng nhiệt “Gieo mầm”. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn lên sân khấu chơi guitar cho Tùng Dương hát Ôi quê tôi chỉ nói ngắn gọn rằng "sự trưởng thành, kỳ diệu và những ánh mắt đầy yêu thương của khán giả là minh chứng cho thành công của Tùng Dương ngày hôm nay".
Bên cạnh đó, những bản phối mới từ đạo diễn âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng, sự góp sức của đạo diễn ánh sáng Trường Râu và hình ảnh sân khấu 'sâu' và tinh' được tạo nên bằng công nghệ 3D mapping của visual Vỹ Vflash đã giúp cho liveconcert 20 năm ca hát của Tùng Dương trở nên ấn tượng.
Nếu trước kia Tùng Dương trong thị trường âm nhạc Việt thuộc về một góc riêng, nhỏ bé đôi khi có phần 'lạc quẻ' trong cuộc chạy đua đầy mỏi mệt của các ngôi sao nhạc trẻ thì giờ đây với một giọng hát đẹp lối tư duy âm nhạc thông minh, tinh tế và văn minh, anh đang dần dần xác lập nên mỹ cảm âm nhạc mang tên mình. Không ngại phá cách và luôn làm mới mình, tiếng hát chạm vào trái tim là những điều khán giả đã và sẽ nói về Tùng Dương - một giọng ca được kỳ vọng sẽ trở thành 'huyền thoại âm nhạc' của Việt Nam.
Ảnh, clip: Nhật Sinh, Hoà Nguyễn