Có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 7h sáng, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (Tân Phú, TP.HCM) cùng bà N.T.P (69 tuổi) phải chờ đến gần trưa mới hoàn thành quy trình khám nội tiết và suy tim. Bà P. là bệnh nhân quen thuộc của các bác sĩ nơi này.
Khoảng 30 năm trước, bà bắt đầu sống với căn bệnh tăng huyết áp và tiểu đường. Tuy nhiên cách đây 1 năm, bà đột ngột phải cấp cứu vì khó thở. Bác sĩ chẩn đoán bà bị suy tim độ 3.
Chị Tuyền cho hay từ khi mắc bệnh tim, bà P. rất kỹ lưỡng trong chuyện ăn uống, chỉ ăn đồ hấp và luộc, đo huyết áp mỗi ngày. Bà không muốn rơi vào cảnh nằm viện kéo dài.
"Một lần cấp cứu nguy kịch rồi nên tâm lý bà rất sợ nhập viện. Vậy nên bà chủ động điều tiết ăn uống cũng như thuốc thang, tái khám đều đặn", chị Tuyền nói.
Cùng tâm trạng sợ cấp cứu, chị Nguyễn Thị Hà (50 tuổi, Đồng Nai) không bỏ sót một buổi tái khám nào tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh theo lịch hẹn. Bốn tháng trước, chị choáng váng và ngất xỉu sau khi ăn một chùm nhãn ngọt. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị tiểu đường type 2, tăng huyết áp vô căn, tăng cholesterol máu.
Thực tế, nhiều người lớn tuổi tại Việt Nam phải sống chung với thuốc thang vì các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường... Hậu quả là những năm tháng đáng lý được nghỉ ngơi, người lớn tuổi lại dành phần lớn thời gian đến bệnh viện mỗi tháng, thậm chí là mỗi tuần.
Theo Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi nhưng chất lượng sống lại bị hạn chế do bệnh tật.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, trong các quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ đứng thứ hai. Dù vậy, mỗi người phải sống trung bình với 10 năm bệnh tật, cao hơn so với các nước.
Bộ Y tế phân tích, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thực trạng trên là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Thực tế cũng cho thấy gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở nước ta ngày càng trầm trọng, chiếm hơn 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam.
Năm 2021, kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy có 20,8% dân số từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc; gần 2/3 nam giới và 1/10 nữ giới có uống rượu bia; khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị.
Đáng chú ý, tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối/ngày.
Trong khi đó, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực, không đạt mức theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, khoảng 19,5% dân số Việt Nam bị thừa cân, trong đó 2,1% béo phì.
Bộ Y tế kết luận, có khoảng 15,3% dân số từ 40-69 tuổi có nguy cơ cao trong vòng 10 năm tới gặp các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chỉ có 40,8% trong số này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khiến người Việt sống thọ nhưng thời gian sống cùng bệnh tật nhiều còn là môi trường sống, nhận thức của người dân, nhân lực y tế thiếu, ngân sách cho y tế dự phòng còn ít…