Tuyển tập gồm 63 bài thơ do tác giả sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh sau chuyến thăm Budapest (thủ đô Hungary) lần thứ hai vào năm 2022.
Paul Christiansen - nhà thơ, dịch giả, cây bút văn hóa nghệ thuật người Mỹ là người hiệu đính tác phẩm nhận xét: “Đó là những vần thơ đẹp, vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ, quyến rũ, giàu cảm xúc và tràn đầy trí tuệ với suy tư thông thái. Đây là tập thơ với giọng nói xuất phát từ trái tim và hình ảnh trong trẻo từ nỗi đau chia ly cùng niềm vui đoàn tụ. Khát khao yêu đương đẹp đẽ của con người thăng hoa trong khoảng cách xa vời địa lý với khung cảnh thiên nhiên lộng lẫy và những thành phố tràn đầy cảm hứng. Thơ của Kiều Bích Hậu thể hiện trải nghiệm cá nhân, bằng nghệ thuật ngôn từ và chất chứa cảm xúc, vượt qua cõi riêng tư của mình để trở thành phổ quát”.
Nhà thơ Ngô Đức Hành phân tích rất sâu về những áng thơ trong bài Thanh lọc. Ông gọi rằng, đó là bài thơ được viết từ vô thức nhưng ám ảnh triết lý Phật giáo: “Mọc lên từ bùn luân hồi/ Đóa sen nở ra những vần thơ yêu thương bất tận”. Phật dạy rằng, tất thảy những gì trên đời này đều là phù du, khi mất đi chỉ có tình yêu thương lẫn nhau mới là thứ còn lại cuối cùng. Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Kiều Bích Hậu đã sử dụng thi ảnh “hoa sen” - loài hoa rất gần gũi với làng quê, đời sống thực và đời sống tâm linh của người Việt để gửi thông điệp ‘thanh lọc’.
Nhà văn, nhà thơ, dịch giả Kiều Bích Hậu là người đa năng. Chị chính là cầu nối chủ đạo trong công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. “Tôi rất hạnh phúc khi nhận tin sách thơ được xuất bản tại nước ngoài. Dường như một giấc mơ vừa trở thành hiện thực và tôi đã tự đẩy mình lên một cấp độ mới. Tiếng nói riêng vang lên trong tâm trí, trong tâm hồn và trái tim tôi mỗi ngày đã được thế giới lắng nghe… Tôi thấy mình đang đối thoại với một người tri kỷ ở một quốc gia khác nên ngôn ngữ sử dụng trong cuộc trò chuyện âm thầm đó lại không phải là tiếng mẹ đẻ mà bằng ngôn ngữ Anh và sắp tới là tiếng Pháp”.
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149 km bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua Bắc Bộ và đổ ra vịnh Bắc Bộ. Trên đất Việt, sông Hồng dài 510 km, là yếu tố quan trọng của nền văn hóa lúa nước. Danube là sông dài thứ hai ở châu Âu, 2.850 km, chảy qua nhiều nước Trung - Đông Âu và đổ vào Biển Đen. Khi được hỏi tại sao lại đặt tên tập thơ là Từ Hồng Hà tới Danube tác giả xúc động chia sẻ: “Hai dòng sông là biểu tượng cho 2 đất nước Việt Nam và Hungary. Dù rất xa nhau, nhưng hai dòng chảy màu hồng và màu xanh này vẫn có thể hợp nhất tạo nên một bản hòa tấu tuyệt đỉnh đẹp đẽ”.
Còn theo nhà văn/dịch giả Khánh Phương: “Kiều Bích Hậu đã “rút ruột” sống hết mình cho những áng thơ. Tác giả mượn lời thơ để thanh lọc và làm đẹp tâm hồn. Tính nhân văn trong hồn thơ chính là nét đẹp của lòng biết ơn dành cho những người lính: “Họ là những người lính/ Họ là những thi nhân/ Họ hát ca trong rừng…”.
Cuốn sách giúp độc giả quốc tế hiểu thêm về thơ ca cũng như con người Việt Nam “Nước mắt họ rơi thấm thân thể đồng đội hy sinh sau trận chiến/Hơn cả cái chết/Hơn cả sự sống/Hơn cả chiến tranh/Họ thức dậy nguồn thơ đất Việt”. Từ Hồng Hà tới Danube đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp trong tháng 4/2023, sau bản tiếng Anh một tháng.
Kiều Bích Hậu sinh năm 1972 tại Hưng Yên, chị là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Là biên tập viên tạp chí Neuma (Romania), tạp chí Humanity (Nga), Đại sứ Nhà xuất bản Ukiyoto Canada tại Việt Nam. Chị đã xuất bản 21 đầu sách riêng tại Việt Nam, Ý và Canada; giành được 6 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Đây cũng là một trong số những tác giả Việt Nam có thể sáng tác song ngữ Việt - Anh. |
Khánh Phương