Việc nghiên cứu và nhận thức tiến trình phát triển của văn học Việt Nam nói riêng, văn học các nước Đông Á nói chung không thể nào thực hiện nếu thiếu đi sự hiểu biết nhiều loại học thuyết khác nhau, bởi các học thuyết đó từng (hay vẫn đang) gây ra những tác động lâu dài và mạnh mẽ lên toàn bộ tiến trình văn học. Trong số các học thuyết có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình phát triển văn học đó, trước hết phải kể đến Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.
Loại hình học tác giả văn học - Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam được xuất bản lần đầu tiên năm 1995. Với GS.TS Trần Ngọc Vương, ba mẫu nhà nho hành đạo, ẩn dật, tài tử mặc nhiên được xem như ba loại hình mà nhà nho đã hình thành trong thực tiễn lịch sử trung cận đại Việt Nam. Từ đây, tác giả tập trung soi rọi loại hình thứ ba - nhà nho tài tử, loại hình mà theo ông có vai trò lớn đối với tiến trình văn học - nói đúng hơn là đối với bộ phận văn học mang đậm tính nghệ thuật và cảm hứng thời đại, cũng chính là văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc (tiếng Việt, chữ Nôm) từ thế kỷ XVII.
Tác giả phân tích rằng, trong khuôn khổ một xã hội phát triển theo lối thịnh, suy, trị, loạn đắp đổi thì nhà nho tài tử trội vượt lên ở những năng lực xuất sắc trên 3 phương diện: tài quản lý xã hội, tài năng quân sự và tài năng nghệ thuật. Nhưng khi đối diện với xã hội hiện đại hóa, qua thử thách khắc nghiệt của lịch sử, những phẩm chất lẫn quy mô của tài năng người tài tử tỏ ra không còn phù hợp. “Từ Trần Tế Xương đến Tản Đà, các nhà nho tài tử đã bước hẳn vào môi trường thành thị tư sản hóa và bản thân các tác giả đó cũng từng bước tiểu tư sản hóa. Xét trong tiến trình vận động toàn cục, Tản Đà là nhà nho tài tử thực sự cuối cùng có ý nghĩa kết thúc một loại hình tác giả trong văn học sử”.
Việc biên soạn một công trình khảo lục tác phẩm dưới ánh sáng của lý thuyết loại hình học tác giả chắc chắn là một việc làm cần thiết và khả thi. Để giúp độc giả mà chủ yếu là sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng thuộc chuyên ngành Ngữ văn hình dung về một thực tế văn học sử theo hướng tiếp cận trong công trình này, GS.TS Trần Ngọc Vương đã thống kê một phần phụ lục khá đầy đủ.
Một số tác phẩm văn chương của các nhà nho tiêu biểu như Nguyễn Du, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ... xuất hiện trong cuốn sách này cũng là nội dung hấp dẫn với nhiều độc giả.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu về loại hình học tác giả văn học có tính chất tiêu biểu, là giáo trình chính thức giảng dạy cho sinh viên và học viên cao học chuyên ngành văn học; đồng thời là lựa chọn thú vị dành cho tất cả bạn đọc yêu mến nền văn học nước nhà.
Giai đoạn 1988 - 1993, tác giả Trần Ngọc Vương được cử đi tu nghiệp tại Moskva. Năm 1994, ông được trao bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Á-Phi tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Khi hồi hương, ông liên tiếp nhận các chức danh Phó giáo sư năm 2001, Giáo sư năm 2013 và Nhà giáo ưu tú năm 2010. GS đoạt Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007 cho công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX những vấn đề lý luận và lịch sử. Các công trình khoa học tiêu biểu: Loại hình học tác giả văn học: Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam; Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung; Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX những vấn đề lý luận và lịch sử; Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ; Giáo trình Văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX; Sự kiện Giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông |