Khối ngoại bán ròng, thanh khoản giảm
Thị trường chứng khoán (TTCK) gây bất ngờ với nhiều người trong phiên cuối tuần (13/10) khi quay đầu tăng điểm trong phiên chiều cho dù chịu áp lực bán mạnh trong phần lớn phiên giao dịch với sắc đỏ bao trùm.
Sự phục hồi của một số cổ phiếu vốn hóa lớn vào cuối phiên như Sabeco (SAB), VPBank (VPB), HDBank (HDB), Vincom Retail (VRE)… cùng với sự bứt phá của một số mã VietJet (VJC), Thế Giới Di Động (MWG), Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR)… đã giúp TTCK đảo chiều.
Chốt phiên cuối tuần 13/10, chỉ số VN-Index tăng 3,12 điểm lên mức 1.154,73 điểm.
Tuy nhiên, đây được xem là một phiên “xanh vỏ, đỏ lòng”. Chỉ số VN-Index tăng nhưng đa số cổ phiếu giảm giá. Khối ngoại tiếp tục bán ròng.
Trong cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 26,2 điểm (+2,3%) so với cuối tuần trước. HNX-Index thậm chí tăng 3,7% lên 238,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,8% lên 87,9 điểm.
Trở lại phiên đầu tuần 9/10, thị trường duy trì tâm lý tích cực sau diễn biến điều chỉnh giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi của Mỹ tăng cao hơn so với kỳ vọng vào tối thứ 4, chỉ số DXY đã tăng trở lại và gây áp lực lên thị trường hai phiên cuối tuần.
Một điều bất ngờ là phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đã được kéo mạnh và đóng cửa tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình.
Một số cổ phiếu bất động sản bứt phá. Bất động sản Phát Đạt (PDR) tăng trần trong phiên 13/10 sau khi có thông tin phê duyệt quy hoạch 1/500 toàn bộ dự án 10.000 tỷ đồng. Sức nóng lan tỏa sang các cổ phiếu và nhóm cổ phiếu khác. Nhà Khang Điền (KDH) cũng tăng trần.
Trong tuần, một số cổ phiếu đóng góp cho sự đi lên của thị trường chung gồm: Tập đoàn Công nghiệp Cao su (tăng 5,9%); VPBank (tăng 4,8%), Hòa Phát (tăng 3,2%), Vietcombank (tăng 1,4%)…
Thanh khoản trên thị trường tiếp tục ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 16.459 tỷ đồng, giảm 4,2% so với tuần trước. Khối ngoại bán ròng 1.911 tỷ đồng trên HOSE, tăng gần 5 lần so với tuần trước. Trên cả 3 sàn, khối ngoại bán ròng 1.816 tỷ đồng.
Trong nước, giá vàng vào cuối tuần đã tăng vọt lên mức đỉnh cao lịch sử, trên 71 triệu đồng/lượng (giá bán ra). Tỷ giá cũng ở mức rất cao, trên 24.600 đồng/USD (giá bán). USD tự do lên trên 24.700 đồng.
Dòng tiền lớn đi đâu, áp lực tỷ giá có đáng ngại?
Theo nhiều chuyên gia, việc khối ngoại bán ròng trong thời gian qua (hơn 9.000 tỷ đồng kể từ đầu năm) là USD mạnh lên trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá USD/VND tăng nhanh trở lại, qua đó khiến dòng tiền của khối ngoại rút ra càng nhanh.
Bên cạnh đó, dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước cũng có dấu hiệu suy giảm theo sự sa sút của thanh khoản trên thị trường chứng khoán.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM, nhận định trong giai đoạn hiện tại, dòng tiền lớn đang tập trung vào tài sản sơ cấp với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn nhiều so với thị trường thứ cấp. Nhiều nhóm lớn cũng phải dành nguồn lực giải quyết những vấn đề liên quan đến mình.
Trong năm 2022, tình trạng các tổ chức phải dành tiền, xoay tiền (trong đó có bán cổ phiếu/bị bán giải chấp cổ phiếu) để giải quyết vấn đề mất cân đối tài chính… đã khiến TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất. Nhiều mã cổ phiếu giảm 80-90% như Novaland (NVL), DIC Corp. (DIG), Hải Phát (HPX)…
Vấn đề trái phiếu đã có chuyển biến tích cực trong năm 2023 nhưng trên thực tế nhiều khoản nợ đã được gia hạn và đẩy về tương lai, vào cuối năm 2023 và năm 2024.
Với hệ thống ngân hàng, áp lực nợ xấu cũng lớn khi các chính sách giãn hoãn hết hiệu lực. Ngân hàng đang phải trích lập các khoản nợ xấu và cần xử lý ngay từ bây giờ.
Mặc dù dòng tiền còn yếu trong khi tỷ giá USD/VND còn khó lường nhưng vẫn có nhiều dự báo tích cực về TTCK.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VnDirect, cho rằng tâm lý của nhà đầu tư đã bớt bi quan và dần ổn định trở lại với những tín hiệu chuyển biến tích cực trong tuần qua trên TTCK.
Nhịp hồi phục được duy trì bất chấp một số thông tin bất lợi được công bố như lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng cũng như đà tăng của tỷ giá và giá vàng trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Đinh Quang Hinh cũng khẳng định quan điểm, áp lực tỷ giá hiện nay chỉ mang tính thời điểm và sẽ không làm đảo ngược xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Và theo chuyên gia này, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã giảm rất sâu và bằng mức đáy của thời điểm Covid-19 và các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn thì kênh đầu tư chứng khoán vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên của dòng tiền hiện nay.
Trong những tuần mới, TTCK sẽ được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh quý III năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết lần lượt được công bố.
Theo VNDirect, bức tranh kết quả kinh doanh quý IIII/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý đầu năm và là sẽ là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng thị trường.