Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, nhưng quan trọng hơn là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, giúp giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ TT&TT cho biết, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước thời gian qua đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trên 97,3% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Số liệu thống kê từ Hệ thống giám sát, đo lường của Bộ TT&TT cũng cho hay, tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/5, về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, ở khối bộ, ngành, 3 Bộ NN&PTNT, Ngoại giao, KH&ĐT có tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ cao nhất. Còn với khối địa phương, 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ tiêu này lần lượt là Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Về tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến, 3 bộ có tỷ lệ cao nhất gồm Ngoại giao, Nội vụ, GD&ĐT. Top 5 địa phương dẫn đầu về tỷ lệ này trong 5 tháng đầu năm nay lần lượt là Hòa Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, vấn đề lớn nhất hiện nay là hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số là 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Thực tế, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, Bộ TT&TT liên tục đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy; song đến hết tháng 5/2022, tính trung bình trên cả nước, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mới đạt khoảng 32%. “Nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, mục tiêu đặt ra rất khó đạt được”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Bộ TT&TT chỉ rõ, để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, cơ quan nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ TT&TT, để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, cơ quan nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi được tiếp cận dịch vụ dễ dàng, khi có kỹ năng, thiết bị, có động lực sử dụng.
Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan nhà nước cần thực hiện ngay việc rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 các thủ tục hành chính đủ điều kiện, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như là tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Cùng với đó, cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, như là kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để giảm thiểu giấy tờ, người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; có các chính sách để thực sự khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Vân Anh
Ưu tiên triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, tỉnh khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án 06.