Phiên giao dịch đầu tuần và cuối tháng 7, thị trường ghi nhận sự bứt phá của nhóm cổ phiếu nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) tăng trần, trong khi Vincom Retail (VRE) tăng mạnh. Ba doanh nghiệp này báo cáo kết quả kinh doanh tích cực và có nhiều tin tốt.
Cổ phiếu Vingroup tăng trần từ ngay đầu phiên sau khi tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lợi nhuận nửa năm tăng gấp đôi cùng kỳ, nhờ thu chính từ bất động sản và bắt đầu rót tiền mạnh vào dự án xe điện bên Mỹ.
Trong nửa đầu năm 2023, Vingroup ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.936 tỷ đồng, tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước nhờ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2.
Thông tin bán xe điện tăng (nhờ bán cho hãng taxi), kết quả niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và việc khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina cũng như thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh mặt bằng bán lẻ và du lịch ấm lên khi vào mùa… đã đẩy mạnh nhóm “cổ phiếu Vin”.
Cổ phiếu Vingroup tăng trần thêm 3.600 đồng lên 55.100 đồng/cp với dư mua gần 4,5 triệu đơn vị. Vinhomes tăng trần thêm 4.100 đồng lên 63.000 đồng/cp. Vincom Retail tăng 850 đồng lên 29.650 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hút dòng tiền, với 10 trong tổng cộng 11 mã trong nhóm VN30 tăng điểm. Chỉ có Vietcombank (VCB) giảm do tăng liên tục và lên đỉnh lịch sử trong nhiều phiên trước đó.
Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ cho dù chịu nhiều áp lực trong nửa đầu năm, từ việc lãi suất huy động tăng, cho vay không được nhiều khi phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo, thị trường bất động sản trầm lắng và sức cầu vốn của nền kinh tế thấp.
Trong 6 tháng, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng như: Vietcombank (20.500 tỷ đồng), BIDV (BID), MBBank (MBB), Vietinbak (CTG), Techcombank (TCB).
Nhóm các ngân hàng có lợi nhuận trên 5.000 tỷ đồng gồm: ACB (9.989 tỷ đồng), SHB (6.073 tỷ đồng), VIBBank (VIB), HDBank (HDB), VPBank (VPB).
Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương như: VCB, BIDV, MBB, CTG, ACB, HDB, SHB, VIB…
Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm sâu trong 6 tháng đầu năm như: Bản Việt, VPBank, AnBinhBank, Techcombank, TPBank, LPBank…
Bên cạnh đó nợ xấu hầu hết đều có xu hướng gia tăng trong bối cảnh lãi suất tăng cao, cộng đồng doanh nghiệp gặp khó…
Tuy nhiên, đa số cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền do giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp và lợi nhuận có cơ hội cải thiện trong nửa cuối năm. Nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn và mở rộng quy mô cùng nền kinh tế như MBBank, ACB, HDBank, SHB…
Nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm, dầu khí, công nghệ… hầu hết tăng giá.
Trong khi đó, nhóm bán lẻ phân hóa. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài quay đầu giảm, trong khi Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục tăng.
Chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động lỗ lũy kế hơn 8.000 tỷ đồng cho dù được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho gã khổng lồ MWG, thay cho mảng điện thoại, điện máy có dấu hiệu đến lúc bão hòa.
Cổ phiếu bán lẻ FPT Retail (FRT) cũng giảm sau khi báo lỗ kỷ lục trong quý II giữa lúc lúc mảng thiết bị ICT lao đao trong cuộc chiến giá, mảng dược phẩm khó bù đắp được.
Trong tuần trước, VN-Index đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm trong bối cảnh giới đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về kinh tế thế giới và trong nước.
Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết các nhà kinh tế học tại Fed không còn dự báo về viễn cảnh suy thoái, tạo kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng mạnh và khá vững trên ngưỡng tỷ USD/phiên.