img 4718.jpg
Thốt nốt là loại cây đặc sản nổi tiếng ở An Giang, được trồng nhiều ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Để thốt nốt thực sự trưởng thành, cho trái, ít nhất cũng cần 18 - 20 năm. Đặc biệt, tất cả những bộ phận của cây đều được bà con đồng bào dân tộc Khmer tận dụng, từ thân tới lá, quả. Ảnh: B.K
img 4719.jpg
15h, ông Nguyễn Bá Tòng (55 tuổi, ngụ phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) rời nhà. Trên xe máy của ông lỉnh kỉnh can nhựa để lấy nước thốt nốt (mật hoa). Cách nhà 2km, vườn thốt nốt khoảng 50 cây được ông thuê lại của người dân với giá dao động từ 20.000 - 50.000 đồng/cây/năm.
Buộc vài cái can nhựa vào thắt lưng cùng con dao, ông bắt đầu công việc "đu đỉnh". Đôi bàn tay chai sạn, ông nắm chắc vào thang tự chế (làm từ cây tre già, để nguyên mắt, buộc chặt vào thân cây), hai chân thoăn thoắt lên từng bậc, leo tít lên ngọn cây. Suốt quá trình leo trèo, ông Tòng không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Ảnh: T.T
W-thot-not-11-2.jpg
Trên ngọn cây cách mặt đất khoảng 20m, người đàn ông U60 chọn tàu lá vững chãi rồi tựa vào, bắt đầu thu nước. Ông cho biết, nghề này sơ sẩy là đánh đổi cả tính mạng. Thế nhưng vùng này còn nghèo, đất đai không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên chỉ có nghề leo thốt nốt là dễ kiếm sống. Tuy không làm dấu nhưng cây của người nào, người đó thu hoạch chứ không xảy ra tranh chấp hay lấy trộm. 
W-thot-not-1-1.jpg
Để lấy nước, cần gọt lớp mặt ở đầu bông, cho nước rỉ ra. Sau đó, đặt can nhựa hứng những giọt nước thơm nức mũi. Thốt nốt có hai loại, đực và cái. Cây đực cho kinh tế không cao bằng cây cái nên người ta thường chỉ trồng lấy gỗ làm xuồng, ghe.
w thot not 2 1 916.jpg
"Nước, đèn pin cùng bữa ăn nhẹ là những thứ không thể thiếu. Hôm nay, có món cháo trắng cùng trứng vịt muối. Vợ tôi chuẩn bị sẵn, đói lúc nào thì ăn lúc đấy", ông Tòng tâm sự.
w thot not 3 1 917.jpg
Từ năm 15 tuổi, ông Tòng đã bắt đầu đi lấy nước thốt nốt. Sau khi lập gia đình, từng chuyển nghề nhưng vì bấp bênh, người đàn ông này trở lại nghề cũ và làm cho đến nay.
w thot not 4 1 918.jpg
Theo phong tục của người địa phương, trước khi ăn cần khấn vái 'thổ thần' rồi mới được dùng bữa. Dịp đầu năm, họ bày mâm cúng tại khu đất hành nghề với mong muốn được các thần linh che chở.
w thot not 5 1 919.jpg
Tờ mờ sáng hôm sau, ông quay trở lại, leo lên cây thăm thành quả. Cao điểm mùa vụ, ông lấy được gần 200 lít mỗi ngày. Với lượng nước thu về, vợ ông Tòng nấu được 25 - 30kg đường thốt nốt, giá bán khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, thu nhập hơn 600.000 đồng mỗi ngày.
img 4720.jpg
28 tuổi, anh Nguyễn Huy Thoàn (ngụ phường An Phú) đã có 13 năm kinh nghiệm thu hoạch nước thốt nốt. Học hết lớp 9, gia cảnh nghèo khó, mẹ già ốm yếu, anh quyết định nghỉ học theo cha học nghề. Ngày lao động gần 18 tiếng, hai cha con thu được 30 can loại 30 lít. Với giá bán thời điểm hiện tại 80.000 đồng/can cho thương lái, cha con anh kiếm gần 2,5 triệu đồng/ngày.
img 4708.jpg
Anh cho biết, tết Nguyên đán là lúc nước thốt nốt có trữ lượng đường cao và đạt chất lượng ngon nhất, chính vì vậy anh không dám ăn đồ lạ, ăn uống rất kiêng cữ. Những ngày Tết anh cũng không thể dẫn vợ con đi chơi, bởi nếu không thu hoạch thường xuyên, hoa thốt nốt sẽ liền sẹo và ngưng cho nước. Leo thốt nốt là “lấy công làm lời” nên anh Thoàn không quản ngại cực khổ, chỉ mong cải thiện được nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình.
img 4707.jpg
"Trái thốt nốt kết thành buồng như dừa, nhưng nhỏ và dẹp hơn nhiều. Lúc còn non trái có màu xanh, khi đã già thì chuyển sang màu nâu cánh gián. Bên trong có 3 - 4 múi, phần 'cơm' vừa ăn có màu trắng trong, ăn dẻo mà giòn, ngọt mà béo, giá bán từ 5.000 - 7.000 đồng/trái", anh Thoàn cho hay.
img 4710.jpg
Không đơn giản là kế sinh nhai, nghề trèo thốt nốt đã ăn sâu vào máu thịt, tạo nên hình ảnh đặc trưng vùng Bảy Núi. Nhằm phát triển và nâng cao giá trị cây thốt nốt, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch "Vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ đến năm 2025 định hướng đến năm 2030". Theo đó, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 200 cây và năm 2030 đạt 500 cây (cây trên 40 năm tuổi).