Theo National Interest, xung đột Ukraine được bao quanh bằng những lời “biện minh dối trá" mà trong đó các phương tiện truyền thông và giới chính trị gia phương Tây đã tạo nên một "huyền thoại lâu dài" về tính hiệu quả của những loại vũ khí được gửi cho Kiev.
Pháp đã cung cấp cho Ukraine các xe bọc thép AMX-10RC hay còn gọi là xe tăng bọc thép hạng nhẹ. Tuy nhiên, thiết bị này có từ đầu những năm 1980, và lần nâng cấp cuối cùng là vào năm 2000. Quân đội Pháp đã ngừng sử dụng những chiếc xe tăng này vào năm 2021. Khi xe tăng AMX-10RC được triển khai ở vùng xung đột Ukraine, Nga được cho đã giúp Pháp hoàn tất quá trình loại biên phương tiện này.
Cũng theo National Interest, các xe tăng chiến đấu Challenger-2 của Anh trao cho Ukraine cũng đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ hoạt động, và không có tác dụng trong quá trình giao tranh với quân đội Nga.
Ngoài ra, việc Mỹ hứa hẹn cung cấp hơn 30 xe tăng chiến đấu M1 Abrams đã khiến Ukraine vui mừng, song đây không phải là những phiên bản nâng cấp hiện đại.
Tương tự, các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất vốn được cường điệu hóa là có thể “thay đổi cuộc chơi” trong xung đột Nga – Ukraine cũng đã ở cuối vòng đời sử dụng. Trong khi đó, Nga đã sở hữu các máy bay phản lực thế hệ thứ 5 có thể đánh bại tiêm kích Mỹ.
Điều này khiến một số nhà bình luận đặt câu hỏi liệu xung đột Ukraine có phải là công việc kinh doanh đơn thuần của chính phủ phương Tây.
“Người hoài nghi có thể kết luận đây là một phần trong âm mưu lớn hơn nhằm tiêu hao kho vũ khí bị coi là lỗi thời để buộc chính phủ các nước phải mua những hệ thống hiện đại, đắt tiền hơn từ các nhà thầu quốc phòng phương Tây”, National Interest viết.
Tuy nhiên, tình hình xung đột Ukraine cũng khó có thể xoay chuyển, ngay cả khi Kiev nhận được những vũ khí hàng đầu của phương Tây. Nguyên nhân là quân đội Ukraine không được đào tạo để sử dụng thiết bị đúng cách. Theo một cựu binh Mỹ dày dạn kinh nghiệm, Washington “có thể cung cấp cho Ukraine những chiếc xe tăng tốt nhất thế giới, nhưng Kiev cũng sẽ mất chúng vì không biết cách sử dụng”.
Kể từ khi xung đột bùng nổ, giới chức Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không gửi vật tư quân sự tới Ukraine. Theo Moscow, hành động này chỉ kéo dài xung đột, mà không thể làm thay đổi kết quả.