Theo tờ Newsweek, đây là tuyên bố của Đại tá Rosanna Clemente, trợ lý Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không và Tên lửa Lục quân số 10 của Mỹ.
Bà Clemente cho hay, một số bệ phóng Patriot “đang được sử dụng để bảo vệ các địa điểm tĩnh, và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Những bệ phóng khác được di chuyển liên tục, và đã thực hiện được một số điều mang tính lịch sử mà tôi chưa từng chứng kiến trong 22 năm làm lính phòng không. Một trong số đó là phục kích trên không. Ukraine đã thực hiện nhiệm vụ bằng các hệ thống Patriot di động do Đức viện trợ, và các hệ thống này được gắn trên xe tải”.
Cũng theo bà Clemente, các hệ thống Patriot di động có thể được triển khai gần mặt trận, và nhắm vào máy bay Nga hoạt động xa chiến tuyến. Bà cho hay, các đội phòng không Ukraine đã sử dụng chiến thuật phục kích trên không để tấn công chiếc A-50 C2 đầu tiên của Nga hồi tháng 1.
A-50 có biệt danh Bumblebee, và được NATO gọi là Mainstay. Máy bay được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 1980.
Ngoài ra, A-50U, phiên bản nâng cấp của A-50, mới được đưa vào sử dụng vào năm 2011. A-50U có thể giám sát các mục tiêu trên không từ khoảng cách 650km, và các mục tiêu mặt đất cách 300km. Theo tạp chí National Interest, A-50U có thể theo dõi cùng lúc khoảng 300 mục tiêu mặt đất, hoặc 40 mục tiêu trên không.
Đặc biệt, A-50 có thể phối hợp cùng 10 chiến đấu cơ tham gia nhiệm vụ đánh chặn trên không, hoặc tấn công mặt đất. Nhờ khả năng tiếp liệu trên không, A-50 có thể hoạt động trong thời gian dài cùng phi hành đoàn 15 người. Giá của A-50 là hơn 300 triệu USD/chiếc.
Nga được cho rằng có 15 chiếc A-50 trước thời điểm xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, một chiếc A-50 được cho là đã bị máy bay không người lái (UAV) tấn công gây hư hại nặng vào tháng 2/2023 do các đảng phái chống chính phủ Belarus thực hiện. Chiếc A-50 thứ hai đã bị bắn rơi ở khu vực giữa thành phố Rostov-on-Don và Krasnodar của Nga. Trong sự việc này, Kiev đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Hồi tháng 1, Đại tá Natalia Humeniuk, người đứng đầu Trung tâm Điều phối Báo chí của Lực lượng An ninh và Quốc phòng miền Nam Ukraine, cho hay chiếc A-50 bị bắn rơi có chức năng như “mắt thần trên không” của Nga. Theo ông, nhờ chiếc A-50, Nga đã có thể theo dõi lãnh thổ Ukraine, và triển khai loạt tấn công bằng tên lửa. Ông nói thêm, “đòn tấn công vào A-50 ít nhất sẽ trì hoãn các cuộc tấn công của tên lửa Nga trong tương lai”.