“Binh sĩ Nga biết Bradley là gì. Họ không muốn đối mặt trực tiếp với cỗ máy này. Có lẽ tôi cũng sẽ không muốn, nếu tôi là họ”, tờ Newsweek dẫn chia sẻ của một chỉ huy xe bọc thép Ukraine có tên Kristmas trong bài đăng của Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine trên mạng xã hội.
Bài đăng cũng nhấn mạnh, “pháo binh Nga liên tục làm việc” để tìm kiếm Bradley, “nhưng vấn đề chính hiện nay là máy bay không người lái (UAV) cảm tử”.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley của Ukraine tấn công xe bọc thép chở quân của Nga ở miền đông Ukraine. Video: Lữ đoàn cơ giới số 47
Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine hoạt động tại các điểm nóng giao tranh ở miền đông Ukraine. Đây cũng là đơn vị duy nhất được biết đến vận hành xe chiến đấu bộ binh Bradley, và xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ.
Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ đã gửi hơn 300 xe Bradley tới Ukraine. Trước đó, hồi tháng 1, một chỉ huy của Lữ đoàn cơ giới số 47 cho hay binh lính Nga "lo ngại" phải triển khai tấn công "khi biết sẽ có Bradley chống lại họ".
Bradley được thiết kế để vận chuyển bộ binh hoặc trinh sát, đồng thời cung cấp hỏa lực yểm trợ trong các khu vực chiến đấu. Vận tốc di chuyển của xe là 64 km/h, và tầm hoạt động 480km.
Trên chiến tuyến trải dài qua miền đông Ukraine, xe bọc thép và xe tăng của quân đội Nga và Ukraine đều phải cảnh giác trước hỏa lực pháo binh, và dàn UAV của đối phương.
“Sáng kiến Mặt trận Thép”, một nỗ lực có sự tham gia của các doanh nghiệp do tỷ phú Ukraine Rinet Akhmetov đứng đầu, đã phát triển nhiều kết cấu bằng kim loại để bảo vệ xe tăng Abrams, và giờ là xe chiến đấu Bradley trước mối đe dọa của các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) mang theo thuốc nổ của Nga.
Hồi tháng 6, ông Oleksandr Myronenko, Giám đốc điều hành Tập đoàn Metinvest, nhận định “ở thời điểm hiện tại, UAV là mối nguy hiểm lớn nhất đối với xe tăng và bất kỳ loại xe bọc thép nào mà quân đội Ukraine đang sử dụng”.
Cũng theo ông, các FPV có thể làm hỏng một phần của xe tăng, khiến phương tiện tiên tiến mà phương Tây tài trợ cho Ukraine nằm bất động và trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công tiếp theo bằng UAV, hoặc tên lửa chống tăng, và pháo binh Nga.
Kể từ đầu năm nay, với tốc độ chậm nhưng đều đặn, Nga đã dần giành được quyền kiểm soát lãnh thổ ở miền đông Ukraine. Theo đó, Nga đã tuyên bố giành được thành phố Avdiivka vào tháng 2, và tiếp tục di chuyển về phía tây. Ngoài ra, Nga còn mở mặt trận mới ở khu vực Kharkiv, phía đông bắc Ukraine vào đầu tháng 5.