Hãng tin RT và tờ The Guardian dẫn lời ông Podolyak nói hôm 7/8: "Nền tảng đàm phán cơ bản duy nhất là công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky. Không thể có những quan điểm thỏa hiệp như ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán ngay bây giờ để Nga có thời gian ở lại các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát". Theo ông, "bất cứ Minsk 3 nào cũng sẽ chỉ kéo dài xung đột trong tương lai".
Minsk 1, Minsk 2 là thỏa thuận ngừng bắn do Pháp và Đức làm trung gian vào năm 2014 và 2015.
Quan chức trên tuyên bố như vậy sau khi tờ Thời báo Phố Wall cho rằng Ukraine nên làm dịu lập trường của mình trong hội nghị hòa bình ở Ảrập Xêút.
Moscow đã bác công thức hòa bình của người đứng đầu Ukraine. Moscow hôm 7/8 nói, chỉ khi Kiev hạ vũ khí thì một giải pháp hòa bình mới có thể khả thi. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, chỉ khi Ukraine dừng các hành động thù địch và các cuộc tấn công, phương Tây ngừng cấp vũ khí cho Ukraine thì một giải pháp hòa bình với Ukraine mới có thể thực hiện được.
Mỹ nói Trung Quốc có mặt tại hội nghị hòa bình là hữu ích
Theo CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi sự tham dự của Trung Quốc tại hội nghị nhằm khôi phục hòa bình ở Ukraine do Ảrập Xêút tổ chức vào cuối tuần qua là hữu ích. "Chúng tôi đã nói từ lâu rằng, nếu Trung Quốc đóng một vai trò trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine thì điều đó rất hữu ích", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 7/8 cho hay.
Theo ông Miller, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Mỹ Victoria Nuland và Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã gặp đặc phái viên Trung Quốc tại cuộc họp để đưa ra thông điệp trên. Ông lưu ý, không có quốc gia nào dẫn dắt các cuộc đàm phán vì Nga chưa quan tâm tới các cuộc hòa đàm với Ukraine. Tuy nhiên, nếu Nga quan tâm thì Ukraine sẽ dẫn dắt các cuộc thương thuyết.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hội nghị kéo dài 2 ngày ở thành phố cảng Jeddah của Ảrập Xêút đã giúp củng cố sự đồng thuận quốc tế về việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột.
Hội nghị do Ảrập Xêút tổ chức đã quy tụ hơn 40 quốc gia, gồm cả Ukraine, Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc. Nga cho biết nước này không được mời nhưng vẫn theo dõi thông tin.
>> Xem thêm tin thế giới trên báo VietNamNet