Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh Newsmax hôm 31/5, ông Zelensky cho biết thêm, khoảng 500 binh sĩ nước này cũng bị thương trong lúc đụng độ với các lực lượng Moscow ở miền đông Ukraine mỗi ngày.
Theo lãnh đạo Kiev, quân Nga đã ngăn chặn việc vận chuyển ngũ cốc của nước láng giềng qua Biển Đen. “Hiện tại, 22,5 triệu tấn ngũ cốc bị Nga chặn lại. Để dỡ bỏ phong tỏa vùng lãnh thổ này và có lối ra biển, lối ra cho người dân của chúng tôi, chúng tôi phải chiến đấu và phải có vũ khí sở hữu tầm bắn hiệu quả tới 120 - 140 km", ông Zelensky nhấn mạnh.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo gói viện trợ quân sự mới, bao gồm cả các hệ thống tên lửa tân tiến, dành cho Ukraine. Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói, các hệ thống tên lửa này có tầm bắn tối đa 80 km, thấp hơn nhiều so với những vũ khí tầm xa ông Zelensky đã yêu cầu, nhưng cao hơn nhiều so với bất kỳ thứ vũ khí gì Kiev đã được nhận trước đây.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Newsmax, ông Zelensky quả quyết, các tên lửa sẽ chỉ được dùng để đẩy lui binh lính Nga trên lãnh thổ Ukraine, chứ không nhằm tập kích sang đất Nga.
Nga tung video tấn công trận địa súng cối của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/5 đã công bố một đoạn video ghi cảnh các đơn vị pháo binh chiến đấu thuộc lực lượng phòng không của nước này tập kích và phá hủy các vị trí đặt súng cối, thiết bị quân sự cũng như các công trình phòng thủ của quân Ukraine.
Hãng thông tấn Tass trích dẫn thông cáo của nhà chức trách Nga cho hay: “Một khẩu đội pháo D-30 122 mm đã ngay lập tức khai hỏa và tấn công vào một vị trí bị phát hiện của các súng cối thuộc lực lượng vũ trang Ukraine".
Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho phát sóng một đoạn ghi hình khác về các vụ oanh tạc của cường kích Su-25 vào các mục tiêu ngụy trang kiên cố và khí tài của Ukraine.
Kiev không lên tiếng bình luận về các thông tin và hình ảnh nói trên.
Thụy Sĩ bác yêu cầu gửi xe bọc thép chở quân cho Ukraine
Đài SRF của Thụy Sĩ ngày 1/6 đưa tin, chính phủ nước này đã bác bỏ yêu cầu của Đan Mạch về việc gửi khoảng 20 xe bọc thép chuyên chở binh lính Piranha III cho Ukraine, viện dẫn chính sách trung lập, không cung cấp khí tài cho các vùng xung đột.
Ban Thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) đã xác nhận quyết định trên.
Xe chiến đấu bộ binh Piranha III do Thụy Sỹ chế tạo. Theo Reuters, quốc gia trung lập này yêu cầu những nước khác mua khí tài của họ phải xin phép khi muốn tái xuất khẩu chúng.
Hồi tháng 4, SECO từng từ chối cho phép Đức gửi các loại đạn dược do nước này sản xuất, thường được dùng trong các xe tăng phòng không, cho Kiev. Zurich cũng bác đề xuất của Ba Lan về việc chuyển giao vũ khí trợ giúp Ukraine.
Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ đã phá thông lệ khi tham gia triển khai các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga vì chiến dịch tấn công quân sự vào nước láng giềng.
Sự trung lập của Thụy Sĩ hiện phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi trong nước đang nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi về cách giải thích chính sách giúp họ vượt qua cả 2 cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20.
Tuấn Anh